Nông dân lên đời

Cập nhật: 10-02-2011 | 00:00:00

 Những ngôi biệt thự rộng lớn xuất hiện ngày càng nhiều trong những cánh rừng cao su ở Vĩnh TânĐã qua rồi cái thời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Tân, Tân Uyên bây giờ đã trở thành những chủ nhân ông giàu sang, sống trong những căn biệt thự rộng lớn, tay cầm tiền tỷ. Sáng ra họ lên ô tô đi đây đó uống cà phê cùng bạn bè, thăm vườn cao su; chiều đến ngồi chờ gom tiền. Nhiều người còn mạnh dạn ôm tiền lên các huyện vùng sâu ở Bình Phước, Đắc Nông để đầu tư mở mang thêm những cánh rừng cao su bạt ngàn.

Đua nhau sắm ô tô, xây biệt thự

Len lỏi trên những tuyến đường đất đỏ dẫn vào các ấp 1, 4, 5 ở xã Vĩnh Tân vào những ngày cuối năm, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những chiếc ô tô đời mới bóng loáng ngược xuôi. Đó là những chiếc ô tô có giá gần cả tỷ đồng của nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Innova, Civic, Altis, KiA... Hỏi ra thì mới biết số xe trên hầu hết là của những “anh Hai cao su” vừa mới tậu về cách đây không lâu. Anh N.T.P, một tay chơi xe khá nổi tiếng ở xã cho biết: “Cách đây chừng 3 năm, khi ấy ở Vĩnh Tân chỉ có trên dưới 10 ô tô, chủ yếu là các loại xe Toyota đời cũ. Những năm gần đây, có số người trúng đất quy hoạch xây dựng các khu dân cư, nhiều nông dân khác được mùa bội thu do giá mủ cao su tăng cao nên họ đua nhau sắm ô tô xịn”. Theo anh P. thì không ít nông dân ở đây rất chịu chơi. Người mua sau khi nào cũng mua xe “xịn” hơn người trước! Có người thì liên tục đổi xe, vì xe xịn cũng một phần thể hiện rõ đẳng cấp của mình. Riêng anh P. cũng đã 3 lần làm chủ xe mới.

Không tính các phương tiện cơ giới khác, toàn xã Vĩnh Tân hiện có khoảng 100 ô tô 4 - 7 chỗ, giá dao động từ 300 triệu đến ngoài 1 tỷ đồng/chiếc; tính trung bình một ha cao su cho thu từ 15 - 20 triệu đồng/tháng như hiện nay, nhu cầu sắm ô tô để đi lại của nông dân trong xã tiếp tục tăng.

 

 Theo lời chỉ dẫn của anh P., chúng tôi đã dễ dàng tìm được nhà của ông Nguyễn Văn Cội (Sáu Bánh), một “đại gia” lĩnh vực cao su, cũng là người có tiếng “chơi xe”. Đó là một căn biệt thự mới xây với giá gần 2 tỷ đồng. Bên hông căn biệt thự rộng lớn này có một gara xe đậu 4 chiếc từ 4 - 7 chỗ. Tuy năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng khi nghe bàn đến chuyện xe, ông Sáu tỏ ra hào hứng. Kéo khăn trùm chiếc ô tô màu đen Altis 4 chỗ còn mới cóng, ông cho biết: “Chiếc này tôi vừa lấy không lâu. Trong nhà tuy đã có nhiều xe nhưng đó là xe của mấy đứa con, tụi nó đi làm miết nên tôi sắm riêng một chiếc để thỉnh thoảng đi đó đi đây cho tiện. Già rồi, đâu còn sống được bao năm nữa mà ôm của, ôm tiền. Một thời đã vất vả nhiều, bây giờ phải hưởng thụ chứ...”.

Có cùng cách nghĩ như ông Sáu, thời gian gần đây, nhiều “đại gia” cao su trong xã liên tiếp đua nhau sắm xe, xây biệt thự. Trong số đó có ông Đoàn Văn Trắng, Chủ tịch Hội Nông dân của xã. Mới đây, ông Trắng không chỉ bỏ ra cả tỷ đồng xây một căn biệt thự khá đẹp, bên trong đầy đủ tiện nghi, mà còn sắm cùng lúc một ô tô 7 chỗ với giá gần 600 triệu đồng. Ông Trắng tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng đắn đo dữ lắm, nhưng có xe mới thấy rất tiện. Lâu lâu cả nhà cùng lên xe đi mua sắm, cưới hỏi. Mệt mỏi thì đánh xe ra Vũng Tàu, Đà Lạt nghỉ ngơi vài hôm. Nói thực chúng tôi chưa phải giàu sang gì, nhưng đã qua rồi cái thời phải tằn tiện, tích góp”. Tuy phong trào chơi xe, xây nhà đẹp ở Vĩnh Tân rộ lên khá nổi, nhưng khi nhắc đến cái tên Tám Rộn ở ấp 1, ai nấy đều phải tỏ ra nể phục. Căn biệt thự mới xây của ông Rộn không chỉ được xếp vào dạng “khủng”, mà ông còn khá chịu chơi khi bỏ tiền ra sắm một lúc 2 ô tô, trong đó có một chiếc Camry đời mới mà nhiều nông dân trong xã đang mơ ước.

Ngoài những nông dân lớn tuổi, nhà có nhiều đất ruộng, hiện tại ấp 2, xã Vĩnh Tân cũng có không ít nông dân trẻ thành đạt. Đó là những cái tên khá nổi như: Nguyễn Văn Minh, Võ Văn Gọt, Võ Sĩ Thừa... Tuy đường sá dẫn vào ấp cũng còn xập xệ, nhưng họ không ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng sắm ô tô “xịn” như Innova, Ford Everest để bằng các chú, các anh. 

Tích lũy đất làm giàu

  Nhờ tích lũy đất, ông Sáu Bánh đã trở thành tỷ phú có tiếng ở Vĩnh TânĐể có được cuộc sống sung túc, giàu có như hiện nay, nhiều nông dân ở Vĩnh Tân đều có chung một cách nghĩ, cách làm. Họ luôn tần tảo, tích góp. Ông Sáu Bánh kể, sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại nghề nông khi mang trong mình nhiều vết thương - đó là chứng tích từ những trận đánh càn, gài trái diệt xe tăng địch. Ngày đó, gia đình ông chỉ có đúng 4 sào ruộng, lúa làm ra không đủ cái ăn cho 7 đứa con. Cả hai vợ chồng đã phải làm ngày làm đêm, thấy ai có đất trống là hỏi mướn để trồng trọt. Những cây trồng chủ đạo lúc ấy là thuốc lá, đậu phộng. Nhiều năm liên tục, gia đình ông mướn đất như thế, nhưng có vụ thu về từ 5 - 7 tấn đậu phộng. Nghe nhắc lại cái thời gian khổ, bà Sáu ngồi cạnh bên cũng lên tiếng: “Cứ vào vụ mùa, mỗi đêm tôi ngủ không được 3 tiếng đồng hồ. Ngày thì ra đồng thu hoạch, đêm nào cũng thức đến 1, 2 giờ sáng lặt đậu, xắt thuốc. Chưa kịp chợp mắt đã thức dậy lo rau cám, cơm nước để ra đồng”. Có tiền, vợ chồng ông đầu tư mua thêm đất từng sào một. Những năm 1985, khi bà con trong xã “rục rịch” trồng cao su, trong tay ông đã có đến 15 ha đất. Mới đây, khi một số đất của ông nằm trong quy hoạch khu dân cư, ông đã nhanh chóng tìm về Bình Phước mua gần 30 ha đất khác để trồng cao su và đang chuẩn bị khai thác.

Sau ngày lập gia đình từ năm 1978, vợ chồng ông Đoàn Văn Trắng chỉ có mấy sào ruộng bố mẹ cho ra riêng. Vợ chồng ông cũng từng đi làm mướn để kiếm cái ăn, nhưng hễ khi có tiền là mua thêm đất. Hiện rất nhiều tay môi giới thường tìm đến nhà ông hỏi mua đất trồng cao su với giá cao ngất ngưởng, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Ông quan niệm rất rõ: “Muốn sống được với nghề nông thì chỉ có mua chứ không bao giờ bán”. Mới đây, ông lại bỏ ra một số tiền lớn mua thêm 3 ha đất ở xã Tân Định để tiếp tục trồng cao su. Cũng có chung cách nghĩ ấy, anh Nguyễn Văn Minh đã nhanh chóng lọt vào tốp những nông dân thành đạt ở xã khi có trong tay hàng mẫu đất, xe ô tô. Khoảng hơn 10 năm trước, khi còn độc thân, anh không ngại khổ mà lo chăm bẵm làm ăn. Những sào đất ruộng ít ỏi của anh lúc đó luôn đầy ắp hoa màu. Từ chỗ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi vụ gieo trồng anh thu về hàng chục triệu đồng từ các loại khổ qua, cà tím, bầu, mướp. Khi có nhiều tiền, anh tiếp tục mua đất, tích lũy đất để có được như ngày hôm nay. 

Bà Nguyễn Kiều Nương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân (Tân Uyên): Thế mạnh của Vĩnh Tân là có địa bàn rộng, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi... nhất là cây cao su tiểu điền, từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ khá, giàu. Các tuyến đường ĐT, ĐH, được đầu tư xây dựng, đã tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ khác. Xã Vĩnh Tân có 1.660 hộ thì hiện chỉ có 48 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Các ban ngành trong xã không ngừng quan tâm, nắm bắt các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, hướng cho bà con đạt kết quả cao trong sản xuất - kinh doanh.

 

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=559
Quay lên trên