Nông dân xã Bình Mỹ (Tân Uyên): “Bắt tay” cùng vượt khó…

Cập nhật: 06-04-2013 | 00:00:00

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở xã Bình Mỹ (Tân Uyên) đã từng bước góp phần đưa kinh tế hội viên phát triển, nâng cao đời sống.

Thi đua sản xuất

Thực hiện phong trào này, trước hết Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp và liên kết với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Xây dựng mô hình trình diễn, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm, nhất là những mô hình phát huy lợi thế địa phương như chăn nuôi nhím, kết hợp chăn nuôi với khai thác mủ cao su. Từ đó nhiều hộ nông dân bắt tay vào việc thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, xây dựng mô hình nông nghiệp mới như nuôi yến, làm sản phẩm thủ công từ lông nhím. Mặt khác, hội còn tạo nguồn vốn hỗ trợ, giúp nông dân phát triển sản xuất, vượt khó vươn lên.  

 Anh Lê Thanh Đó bên sản phẩm lồng chim được làm từ lông nhím

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, nhiều hộ nông dân ở xã Bình Mỹ có thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Anh Phạm Văn Đăng ở ấp Bào Gốc là một trong số đó đã thành công bằng việc kết hợp chăn nuôi trang trại heo khoảng 600 - 700 con với 4 ha cao su, giảm chi phí hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, phân bón từ trại heo của anh còn được bà con địa phương tiêu thụ cho vụ mùa trồng hoa màu hàng năm.

Đoàn kết giúp nhau

Toàn xã Bình Mỹ hiện có khoảng hơn 30 hộ chăn nuôi nhím với kinh nghiệm trên 10 năm. Nhiều hộ nông dân trong xã đã được hội tổ chức các lớp tham quan để xây dựng mô hình nuôi nhím mang lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nguyên nhân cung nhiều hơn cầu nên giá thị trường của thịt nhím không còn như thời “hoàng kim”. Để giải quyết vấn đề này, các hộ nông dân nuôi nhím cùng anh em trong hội nông dân địa phương đã thành lập Tổ hợp tác xã Bình Mỹ, liên kết thành công trại nhím Đó Đây. Tổ ra đời với mục đích giải quyết công nhàn rỗi, đẩy mạnh tiêu thụ để người chăn nuôi có thu nhập và an tâm sản xuất.

Anh Lê Thanh Đó, thành viên trong tổ cho biết: “Dùng lông con nhím, tổ chúng tôi có thể làm thành sản phẩm như màn treo cửa, nhím gỗ, lồng chim… Nguồn lông nhím được lấy định kỳ 2 lần/năm/con, qua sàng lọc và chọn những lông đều nhau về kích cỡ và độ dài nên thường chỉ tận dụng được 20% số lông. Vì vậy giá thị trường cao, nếu bảo quản nơi khô mát thì những sản phẩm làm từ lông nhím sẽ có độ bền hơn 5 năm”. “Việc thành lập tổ đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, vì thế việc chăn nuôi nhím đã giúp thu nhập kinh tế ổn định cho gia đình hội viên”, anh Đó nói thêm. Anh Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Mỹ khẳng định: Thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hội viên đã làm kinh tế hiệu quả và thoát nghèo. Trong đó, những mô hình kinh tế như tổ hợp tác trại nhím, chăn nuôi kết hợp trồng trọt… đã giải quyết được lao động tại chỗ, có thu nhập và công việc ổn đinh, phần nào cải thiện đời sống người nông dân địa phương.

 

 K.VÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=346
Quay lên trên