Trong năm 2021, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song với sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), tinh thần nỗ lực vượt khó của bà con nông dân, sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà vẫn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh hoạt động của ngành.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hình thành, phát triển trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Mô hình trồng chuối sứ theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên)
- Nhìn lại năm qua, xin ông cho biết ngành đạt được những kết quả ra sao?
- Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và cung cầu nông sản; giá nông sản có nhiều biến động; đứt gãy trong khâu sản xuất, cung ứng nông sản bị tồn đọng cục bộ và tiêu thụ chậm... Song, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kết hợp với chủ động trong công tác quản lý điều hành, sự ủng hộ của nhân dân cùng sự nỗ lực phục hồi và duy trì sản xuất của các thành phần kinh tế, nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,4 - 2,6% so với năm 2020. Duy trì tỷ lệ che phủ cây lâm nghiệp và cây lâu năm đạt 57,5%. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia là 89,5%. Duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng cao chất lượng các tiêu chí.
- Trong giai đoạn tiếp theo, ngành có kế hoạch gì để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đã đề ra?
- Đến nay, 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM. Ngành đang thực hiện thẩm định hồsơ, khảo sát thực tế12 xãđề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện 3 huyện còn lại là Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng đã trình hồ sơ hội đồng thẩm định Trung ương xét công nhận.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 100% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với các thị xã đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, phải rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo yêu cầu đối với thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
- Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay hiệu quả như thế nào?
- Chương trình OCOP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình xây dựng NTM trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng. Thông qua chương trình này sẽ góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng NTM bền vững. Mục tiêu là sản xuất các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần gia tăng giá trị. Thông qua đó, bảo vệ môi trường và phát triển khu vực nông thôn bền vững.
Đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định công bố 28 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương; trong đó 8 sản phẩm đạt 4 sao và 20 sản phẩm đạt 3 sao. Thời gian tới, ngành NN&PTNT phối hợp với ngành công thương xúc tiến thương mại 28 sản phẩm vào các siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh; đồng thời, giới thiệu 28 sản phẩm đăng ký tài khoản, tạo kho hàng trên sàn thương mại điện tử VOSO (Viettel), Postmart, Binhduongtrade để bán sản phẩm. Mặt khác, ngành tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất tiếp tục phát triển sản phẩm của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm mang đậm các giá trị văn hóa của địa phương.
- Trong năm 2022, dự báo ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, ngành nông nghiệp Bình Dương sẽ ưu tiên những nhóm giải pháp gì để thực hiện mục tiêu đã đề ra, thưa ông?
- Năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì và phục hồi sản xuất nông nghiệp, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm; tiếp tục thực hiện đề án Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025. Với xây dựng NTM, ngành bảo đảm giữvững và nâng chất các tiêu chíđãđạt theo Bộ tiêu chí nâng cao, kiểu mẫu và đẩy nhanh tiến độ xây dựng Làng thông minh xã Bạch Đằng.
Cùng với đó, ngành sẽ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp; theo dõi tình hình thời tiết, cập nhật thông tin về tình hình khí tượng thủy văn… tham mưu báo cáo lãnh đạo và thông báo kịp thời đến các địa phương có kế hoạch ứng phó; phối hợp chặt chẽ với đơn vị khai thác, quản lý khai thác các công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai; thường xuyên kiểm tra các công trình để xử lý kịp thời các hư hỏng, vi phạm; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng.
Mặt khác, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ ứng dụng các hoạt động giao dịch thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, ngành tiếp tục hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh Covid-19...
- Xin cảm ơn ông!
THOẠI PHƯƠNG (thực hiện)