Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10) hàng năm, xã hội lại tôn vinh những phụ nữ hai giỏi. 3 nhà giáo mà chúng tôi viết dưới đây là những điển hình “giỏi việc trường, đảm việc nhà” tiêu biểu trong ngành giáo dục, xứng đáng được biểu dương.
* Cô Nguyễn Thanh Hiền: Bông hoa tỏa ngát hương
“Giữa một rừng hoa khoe sắc tỏa hương, cô khiêm nhường như một loài hoa dại, dù sỏi đá hay khô cằn nắng dãi, ngát hương đời cho vạn chuyến ong bay…”. Một lần đến trường THCS Phú An (TX.Bến Cát), tình cờ chúng tôi đọc được bài thơ “Hoa giữa đời thường”, do một giáo viên viết tặng một nữ nhà giáo. Tò mò, chúng tôi tìm hiểu thì được biết bông hoa ngát hương ấy chính là cô Nguyễn Thanh Hiền, nhà giáo ưu tú, Hiệu phó nhà trường. Thật không quá lời khi dùng những từ hoa mỹ để viết về cô, bởi mấy mươi năm qua cô Hiền đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tâm huyết cho sự phát triển của ngôi trường này.
Các đồng nghiệp đã nhận xét, cô Hiền làm việc bằng cả lương tâm, trách nhiệm và trái tim. Điều đó quả thật không sai, bởi khi còn là giáo viên dạy môn ngữ văn, cô luôn tìm những phương pháp giảng dạy hay, giúp học sinh (HS) nâng cao kiến thức. Cách cô khơi gợi, bồi đắp tình yêu văn học trong HS thật nhẹ nhàng, lôi cuốn. Chính vì thế mà nhiều năm cô có HS đoạt giải HS giỏi, chất lượng bộ môn cô dạy lúc nào cũng đạt tỷ lệ cao, thể hiện qua chất lượng HS thi đậu vào lớp 10 hàng năm. Năm 2015, cô Hiền được đề bạt lên hiệu phó. Ở cương vị mới, cô luôn trăn trở, tâm huyết để đưa trường đi lên. Cô thường xuyên dự giờ, thăm lớp để có những chỉ đạo kịp thời; đồng thời quan tâm, tiếp thêm niềm tin cho giáo viên mới thêm yêu nghề đã chọn.
20 năm trong nghề, 5 lần cô đạt chiến sĩ thi đua tỉnh, 6 lần nhận bằng khen của UBND tỉnh, cô còn là tấm gương tiêu biểu “học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”. Để đạt được thành tích ấy, cô không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và quản lý.
* Cô Nguyễn Thị Tuyết Sương: Say mê với nghề
Thật là một thiếu sót lớn nếu chúng ta chỉ tuyên dương những người thầy đứng lớp, mà quên đi những người âm thầm đứng phía sau chăm lo sức khỏe cho HS. Người chúng tôi muốn nêu dưới đây là cô Nguyễn Thị Tuyết Sương, nhân viên cấp dưỡng của trường Mầm non Hoa Lan (TP.Thủ Dầu Một).
Hoàn thành chương trình cấp III, cô có thể thi vào ngành sư phạm, nhưng cô Sương đã chọn cho mình lối rẽ khác, đó là làm nhân viên cấp dưỡng. Công việc này vất vả không kém giáo viên dạy lớp. 5 giờ sáng các cô đã có mặt tại trường để lo bữa ăn cho các bé. Riêng với cô Sương, chọn nghề cấp dưỡng, đồng thời là tổ trưởng, cô Sương toàn tâm, toàn ý với công việc. Yêu cầu đối với nhân viên cấp dưỡng là vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng cho cháu. Là nhân viên cấp dưỡng nhưng cô Sương luôn học hỏi, sáng tạo trong công việc. Để đáp ứng yêu cầu công việc và tiếp thu những đổi mới trong nuôi dưỡng cháu, cô Sương đã học vi tính để truy cập internet nhằm xây dựng, tính toán thực đơn đa dạng kích thích trẻ ăn ngon, thực hiện được điều tra khẩu phần ăn. Với cô, mỗi bữa các cháu ăn hết khẩu phần là niềm vui, hạnh phúc, thế nên cô thường xuyên lên mạng tham khảo các món ăn mới cho cháu. Cô còn phối hợp với giáo viên theo dõi cháu ăn, những món nào trẻ thích và không thích để điều chỉnh phù hợp.
Thể hiện trách nhiệm với công việc, những năm qua cô Sương còn tích cực viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm, trong đó có 3 sáng kiến đạt loại B cấp tỉnh. Một trong những sáng kiến được đồng nghiệp học tập là: “Một số biện pháp chế biến món ăn mới đạt kết quả cao”. Với những nỗ lực của bản thân, 2 lần cô Sương được công nhận cấp dưỡng giỏi cấp tỉnh, có năm cô đoạt giải khuyến khích cuộc thi cấp dưỡng giỏi cấp tỉnh. Riêng năm học 2016-2017, cô đoạt giải nhất cuộc thi cấp dưỡng giỏi cấp thành phố.
* Cô Lê Thị Lài: Chu toàn việc trường, việc nhà
Với cô Lê Thị Lài, giáo viên (GV) trường Tiểu học Tân Hiệp (Phú Giáo), cuộc đời cô có những lối rẽ thật bất ngờ. Vì cuộc sống, trước khi trở thành GV, cô Lài làm nghề may. Nhưng ước mơ làm GV luôn cháy bỏng trong cô.
Sau khi lập gia đình, được chồng tiếp thêm nghị lực, cô đã thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé (nay là trường Đại học Thủ Dầu Một). Năm 1997, cô tốt nghiệp và được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học Tân Hiệp cho đến nay. Đã chọn nghề giáo, cô Lài sống trọn với nghề đã chọn. Trong suốt 20 năm qua, cô luôn phấn đấu, rèn luyện chuyên môn, tích cực học hỏi qua đồng nghiệp, qua internet, tích lũy kinh nghiệm để đem đến cho HS những giờ học bổ ích, lý thú. Cô luôn lấy niềm vui, sự hứng thú trong học tập của HS là động lực để cô vững vàng đứng trên bục giảng. Tâm sự về nghề, cô chia sẻ: “Khi nói về nghề của mình cô thường nói “Tôi luôn tâm niệm làm thế nào để có những giờ học hay, thu hút được sự hứng thú say mê học tập của HS. Tùy theo trình độ của HS mà tôi nghiên cứu tìm ra những phương thức dạy học phù hợp, làm cho tiết học sinh động hơn, giàu tính sáng tạo, giúp các em học và nhớ nội dung bài tốt và lâu hơn”. Ngoài đầu tư cho chuyên môn, cô Lài còn tham gia các hoạt động đoàn thể, các phong trào do nhà trường và công đoàn phát động như phong trào thi GV giỏi, văn hóa, văn nghệ, nấu ăn… cô đều tham gia rất tích cực.
Như bao người phụ nữ khác, giỏi việc trường, cô Lài còn là người vợ hiền, người mẹ mẫu mực, luôn giữ lửa hạnh phúc cho mái ấm gia đình. Chồng cô chẳng may bị tai nạn, một mình cô cáng đáng mọi việc, vậy mà ngôi nhà cô luôn đầy ắp tiếng cười. Các con cô, được sự dạy dỗ của mẹ nên đều chăm chỉ học tập. Cô thật sự mãn nguyện khi con gái lớn đã nối nghiệp mẹ, hiện em là GV dạy toán ở trường THCS Trần Quang Diệu. Còn con trai cô đang theo học tại trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương.
H.THÁI