Hôm nay (4-10), Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh (HS) giỏi năm học 2018-2019. Đây là những gương mặt xuất sắc đã đạt giải trong các kỳ thi HS giỏi các cấp và đạt kết quả cao ở kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học năm 2019. Trong số những tấm gương hiếu học tiêu biểu ấy, có những HS ở vùng nông thôn của tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn và đạt thành tích đáng trân trọng.
Giáo viên trường THPT Lê Lợi luôn tận tâm với học sinh
Những tấm gương hiếu học
Trong số những HS được Sở GD-ĐT tuyên dương đợt này có các HS của ngôi trường ở vùng chiến khu xưa của tỉnh, đó là trường THPT Lê Lợi (huyện Bắc Tân Uyên). Trong vài năm trở lại đây, ngôi trường này đã từng bước khẳng định, sánh vai với các trường bạn. Hàng năm, trường có HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, riêng năm học vừa qua, em Nguyễn Thị Ngọc Huyền đã đạt giải nhì, em Đỗ Thị Phương My đạt giải ba môn giáo dục công dân cấp tỉnh. Các em đều sinh ra trong gia đình lao động, cha mẹ làm thuê hoặc công nhân cạo mủ cao su, đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Cảm nhận sâu sắc tình yêu thương và sự khó nhọc của cha mẹ, các em đã miệt mài đèn sách, mong có ngày báo hiếu đấng sinh thành. Em Huyền tâm sự: “Nhiều năm nay cha mẹ em làm thuê, đồng thời chăn nuôi thêm bò, gà để có thêm thu nhập nuôi hai chị em ăn học. Thương ba mẹ vất vả sớm hôm dậy sớm đi làm, em âm thầm cố gắng học tập. Em tâm niệm, chỉ có học tốt mới mong sau này đỡ đần cho cha mẹ. Để cha mẹ đỡ được gánh nặng, hè vừa qua, sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia, em đi làm thêm với công việc phụ đãi đám tiệc và bán hàng online, kiếm tiền trang trải các chi phí học tập trong năm đầu bước vào trường đại học”.
Cùng hoàn cảnh với Huyền, gia đình My cũng có mức sống trung bình. Trước đây, cha mẹ em là công nhân của Nông trường Cao su Hội Nghĩa, hiện tại mẹ em đã nghỉ việc mở quán cơm tại nhà. Khi hỏi đến ba, giọng My chùng lại: “Ba em đã mất năm em học lớp 11 vì bệnh hiểm nghèo. Em nhớ lắm hình ảnh của ba ngày càng gầy mòn vì căn bệnh hoành hành. Những tháng ngày ba nằm viện, sau đó về nhà tiếp tục dưỡng bệnh, em đã cùng mẹ chăm sóc ba. Hiếu để với ba, em đã nỗ lực đạt kết quả tốt trong học tập để ba vui sống những ngày còn lại”.
Với điều kiện của HS vùng nông thôn cách thị tứ hàng chục km, các em tự học là chính. Huyền cho biết ngoài những giờ học ở trường, được sự hướng dẫn của thầy cô, các em có phương pháp tự học ở nhà và tìm những anh chị đang là sinh viên nhờ bồi dưỡng thêm kiến thức. Nỗ lực qua 3 năm đèn sách, Huyền đều là HS giỏi của trường. Với My, sau biến cố ba mất, My tiếp tục lấy lại tinh thần và đạt kết quả khá giỏi trong 3 năm học cấp III. Cả hai em có năng khiếu ở các môn tự nhiên, nhưng môn giáo dục công dân cũng là môn học các em yêu thích. Để thỏa niềm đam mê cũng như để thử thách chính mình, các em đã tham dự thi và đạt thành tích cao trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh ở môn học này. Hiện Huyền là sinh viên của trường Đại học Tài chính - Marketting, còn My đang theo học ngành quản trị kinh doanh của trường Đại học Hutech.
Chắp cánh cho em vào đời
So với các trường khác trong tỉnh, trường THPT Lê Lợi còn những khó khăn nhất định, trong đó có cơ sở vật chất. Toàn trường có 45 lớp nhưng chỉ có 28 phòng học, nên chỉ ưu tiên bố trí dạy 2 buổi đối với HS lớp 12. Cô Phạm Thị Tùng Oanh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhiều năm qua, tập thể nhà trường đã chung sức vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng bằng nhiều biện pháp thiết thực. Ngoài vai trò của cán bộ quản lý, thật đáng quý thay, nhà trường có những thầy cô tận tụy, tích cực đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy. Vững vàng kiến thức cộng với nhiệt huyết với nghề, thầy cô đã góp phần tích cực cải thiện chất lượng giáo dục ở ngôi trường vùng chiến khu Đ năm xưa”.
Một trong những giáo viên tận tụy được HS tin yêu, đó là cô Nguyễn Thị Tám, cô đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Sở GD-ĐT đánh giá cao về hiệu quả giáo dục. Cô Tám đã thể hiện trách nhiệm với nghề qua việc đổi mới giảng dạy môn giáo dục công dân. Từ sự sáng tạo, thiết kế và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, cộng với nghệ thuật dạy học, cô đã mang lại những tiết dạy sinh động cho HS các lớp. Cô Trần Thị Quý, dạy môn giáo dục công dân, cô Mai Thị Hương Giang dạy môn ngữ văn cũng là một trong số những giáo viên thắp sáng ngọn lửa đam mê học tập cho các học trò. Có được tập thể sư phạm tràn đầy nhiệt huyết với nghề như trên, năm học 2018-2019 nhà trường được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về thực hiện “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; được UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ươm mầm cho những ước mơ bay cao và bay xa, đó là trách nhiệm của những người thầy mang trọng trách trồng người. Với thầy cô ở ngôi trường này, ngoài quan tâm đến chất lượng đại trà, thầy cô chú trọng đến chất lượng mũi nhọn. Hàng năm, trường phát hiện những HS có tố chất và kịp thời bồi dưỡng để các em tham dự các kỳ thi HS giỏi các cấp.
Thế mạnh của HS trường THPT Lê Lợi là đạt thành tích ở các môn khoa học xã hội. Ngoài 2 HS nêu trên, còn có em Trương Thị Ngọc Ánh cũng đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, được Sở GD-ĐT tuyên dương trong dịp này. Ghi dấu vào trang vàng hiếu học, năm học vừa qua, em Lê Đoan Thảo Vy đã đạt được giải nhì cuộc thi HS giỏi ngữ văn giải thưởng Sao Khuê cấp tỉnh. Ở các cuộc thi như: Vẽ tranh, an toàn giao thông, hội thao giáo dục quốc phòng, trường cũng có nhiều HS đạt giải thưởng…
Năm học này, nhà trường tiếp tục thực hiện chủ đề “đổi mới thực chất, hiệu quả nâng cao”, cùng với phương châm hành động “trách nhiệm, năng động, sáng tạo” và khẩu hiệu hành động “tất cả vì HS thân yêu”.
HỒNG THÁI