Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 7%, vượt mục tiêu được giao

Cập nhật: 04-07-2022 | 16:08:57

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022.

Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự. Tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố.

Hội nghị đã nghe dự thảo báo cáo, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thời gian tới; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; thảo luận về việc triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia gồm: dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 vùng Thành phố Hồ Chí Minh; Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Kinh tế-xã hội phục hồi nhanh

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp; trong nước, mặc dù có những thuận lợi, song vẫn có những khó khăn và những vấn đề đột xuất nảy sinh... Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế... tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, có mặt khởi sắc ấn tượng.

Cả nước tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 06 tháng tăng 2,44%, là mức tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước dịch. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm nguồn cung, giảm bớt đà tăng giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong nước; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng; Tổ chức S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "ổn định."

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu 06 tháng tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 15,5% so với cùng kỳ; FDI thực hiện tăng 8,9%, cho thấy doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, giá trị tăng thêm toàn ngành quý 2 tăng 9,87% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, tổ chức thành công SEA Games 31; hoạt động du lịch, dịch vụ được phục hồi; quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc; các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia chậm

Về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, với nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Ước giải ngân đến 30/6/2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, trong đó có 25 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, đặc biệt có 4 cơ quan Trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Về tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương là 92.057,861 tỷ đồng (còn lại 7.942,139 tỷ đồng chưa đủ điều kiện giao kế hoạch). Kế hoạch năm 2022 đã giao 34.049 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch năm 2022) cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó, vốn đầu tư là 24.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 10.049 tỷ đồng).

Đến ngày 1/7/2022 đã có 11 địa phương báo cáo hoàn thành việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (giao 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương còn lại giao vốn, danh mục dự án sau ngày 1/7/2022.

Về các dự án giao thông quan trọng quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đến nay tiến độ các dự án cơ bản bám sát yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Riêng 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có yêu cầu hoàn thành trong năm 2022, sản lượng trung bình đạt 61,3% chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chậm trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công san nền khu vực nhà ga. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, các dự án đã có chuyển biến tích cực. Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt, tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung cao độ triển khai thi công bảo đảm hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch.

Tập trung giải quyết các vấn đề "nóng" trong giáo dục, y tế

Về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm liên quan giáo dục, đào tạo, nhất là về vấn đề dạy-học môn Lịch sử, tăng học phí, sách giáo khoa..., Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết ngành đang tập trung nghiên cứu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp Trung học Phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Bộ cũng đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh Trung học Cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023; đang triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa.

Về vấn đề này, Thủ tướng giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.

Đối với tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế và tình trạng nhân viên y tế chuyển việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay có tình trạng thiếu thuốc và thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và Trung ương. Để khắc phục tình trạng trên, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế...

Đáng chú ý, thời gian gần đây có tình trạng thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành Y tế trong khu vực công. Để khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sỹ..., ngành Y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế; xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế...

Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 cao hơn Quốc hội giao

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ như bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phối hợp đồng bộ trong tổ chức thực hiện; theo dõi chặt chẽ, chủ động dự báo để kịp thời ứng phó với những biến động bất ngờ của tình hình thế giới và khu vực nhằm giữ vững ổn định vĩ mô, các cân đối lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Bên cạnh đó, cần chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và xử lý tình huống của cán bộ các cấp, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Các đại biểu cũng cho rằng cần tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quy mô lớn, hạ tầng số, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn các nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn với mục tiêu trung và dài hạn là nâng cao năng suất, năng lực nội tại, tính tự chủ và cơ cấu lại nền kinh tế.

Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phát biểu phân tích, dự báo tình hình quốc tế và trong nước, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu cho phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Theo đó, các đại biểu nhận định, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường trong cả ngắn hạn và trung hạn. Trong bối cảnh đó, thu ngân sách nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết.

Để kinh tế-xã hội phục hồi nhanh, phát triển bền vững, trước mắt phải tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 thật tốt. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí quản trị, hoạt động để giảm lãi suất cho vay, giảm bớt áp lực chi phí vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động phương án điều tiết để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh lương thực.

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, các đại biểu đồng ý kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 khoảng 7,0%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra là từ 6-6,5%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=791
Quay lên trên