Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (gọi tắt là phong trào NDSXKDG) ở Bình Dương ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Từ phong trào NDSXKDG, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình bà Vũ Thị Tuất, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiến. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trong những năm qua phong trào NDSXKDG luôn được các cấp hội quan tâm, đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ vốn, tập huấn khoa học - kỹ thuật (KHKT), dạy nghề… cho nông dân. Từ đó, phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết tương thân tương ái, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới… của địa phương.
Trong giai đoạn 2014- 2016, toàn tỉnh có 34.263 hộ nông dân được tuyên dương là SXKDG các cấp. Qua phong trào NDSXKDG, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, quy mô lớn, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều hộ nông dân không chỉ có kinh tế ổn định mà còn vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh của bà Nguyễn Thanh Thủy, ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng; mô hình nuôi trồng tổng hợp của bà Vũ Thị Tuất, ở xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng; mô hình sản xuất, kinh doanh gốm sứ của ông Lý Hải, ở phường Thuận Giao, TX.Thuận An…
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2014-2016, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp với ngành nông nghiệp, các tổ chức kinh tế tổ chức 1.404 lớp chuyển giao tiến bộ KHKT, 1.170 buổi hội thảo sử dụng phân bón, chăm sóc cây ăn trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 410 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hơn 8.000 học viên tham gia, góp phần nâng cao chất lượng lao động, tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống cho nông dân.
Đồng thời, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động và xét cho 4.190 lượt hộ nông dân vay với số tiền trên 101 tỷ đồng để đầu tư thực hiện 260 dự án chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ. Cùng với đó, hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho 23.530 hộ nông dân vay với số tiền 466 tỷ đồng để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất.
Ông Vinh cho biết thêm, trong thời gian tới các cấp hội nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào NDSXKDG bằng những việc làm, giải pháp cụ thể, như: Tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến tư duy trong sản xuất, kinh doanh của nông dân từ coi trọng về số lượng sang nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận cao; từ sản xuất cá thể đơn lẻ sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất. Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng để nông dân nắm bắt được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta; thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm liên kết NDSXKDG theo chuyên ngành hoặc đa ngành, lĩnh vực…
QUỲNH NHIÊN