Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành công thương tiếp tục nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), giữ vững thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động vì mục tiêu phát triển đặt ra trong năm 2022.
Quyết tâm thực hiện chỉ tiêu phát triển
Nhìn lại năm 2021 nhiều biến động, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề chậm lại, thậm chí phải tạm ngưng hoạt động đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, Sở Công thương đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Qua đó, nhiều chính sách hỗ trợ người dân và DN được triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích thích mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng chủ yếu gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, trao đổi với lãnh đạo Sở Công thương về những giải pháp thực hiện bảo đảm tăng trưởng trong tình hình mới
Hiện nay, để thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển trong năm 2022, ngành đã và đang tạo điều kiện cho các DN sớm phục hồi hoạt động sản xuất; thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, kịp thời chuyển đổi ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư. Theo ngành công thương, trong năm 2022, dự báo nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, xu hướng chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được trong năm 2021 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, Sở Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, các văn bản quy phạm pháp luật của ngành.
Cụ thể, ngành công thương sẽ triển khai thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch cải cách hành chính gắn với chính quyền điện tử, kế hoạch công tác pháp chế phương án phát triển của ngành giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh; triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tập trung nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giải quyết kịp thời, đúng quy định các chế độ chính sách của công chức, viên chức sở.
Thích ứng hiệu quả
Để đạt được mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2021, năm 2022, ngành công thương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong đó, ngành chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Với lĩnh vực thương mại dịch vụ, ngành công thương kiên định mục tiêu tăng trưởng, kiên định đối sách chống dịch bệnh nhưng linh hoạt cao nhất đến mức có thể trong việc chọn giải pháp ứng phó bằng mọi nguồn lực. Cùng với việc tập trung theo dõi diễn biến thị trường, tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, ngành tăng cường công tác dự báo diễn biến thị trường, giá cả, cung cấp thông tin, báo cáo tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời.
Đồng thời với đó, ngành tăng cường công tác phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics; triển khai thực hiện các giải pháp về tăng cường năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, gian lận thương mại, thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo 389 trong việc phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn.
Năm 2022, theo kế hoạch, ngành sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức 10 phiên chợ thuộc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong, ngoài nước; triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, sản phẩm, DN tỉnh tham gia xúc tiến thương mại trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
TIỂU MY