Như là một xu thế, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Thời gian gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Từ đó, du lịch nông nghiệp công nghệ cao hứa hẹn sẽ là sự kết hợp mới lạ, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với các địa phương tại tỉnh Bình Dương. Trong đó, việc phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Phú Giáo cũng nằm trong xu hướng chung này.
Phú Giáo là huyện nông nghiệp với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Những năm gần đây, trong xu thế phát triển chung, kinh tế nông nghiệp Phú Giáo đang chuyển mình sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Song song với đó, chiến lược phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, gắn với phát triển du lịch sinh thái bằng việc tận dụng các điểm đến du lịch sinh thái trên địa bàn như suối Rạt, suối Bà Mụ hay du lịch tâm linh, với các điểm du lịch như cầu gãy Phước Hòa, chùa Bửu Phước, Dinh tỉnh trưởng Phước Thành…
Thành tựu xây dựng NTM là nền tảng để huyện Phú Giáo xây dựng làng thông minh. Đồng thời, lợi thế sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa cho phép huyện Phú Giáo phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Phú Giáo còn gắn với định hướng làng thông minh vì sau khi đạt các tiêu chuẩn về NTM và NTM nâng cao, các địa phương cần bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với định hướng làng thông minh. Làng thông minh hướng đến mục tiêu kiến tạo hệ thống quản lý và kết nối thông minh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong tương lai, làng thông minh sẽ là nơi đáng sống, thân thiện với thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái.
PHƯƠNG ANH