Trong những năm gần đây, hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh. Các địa phương đều có trường học từ mầm non (MN) đến phổ thông. Trong đó các trường thuộc cấp học MN phát triển nhanh nhất, nhất là ở các địa bàn phát triển công nghiệp, từ đó đã đáp ứng được nhu cầu gửi con em của nhân dân nói chung.
Giờ học làm quen với chữ viết của các cháu trường Hoa Mai 4 (TX.Thuận An) Ảnh: A.SÁNG
Với sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, nhu cầu về lao động là rất lớn, lực lượng lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương làm việc ngày càng nhiều. Từ đó nhu cầu về học tập, gửi trẻ của con em người lao động cũng tăng lên.
Với đặc thù của tỉnh, để đáp ứng nhu cầu trường lớp cho trẻ, công tác xã hội hóa giáo dục MN được tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển cấp học MN. Dù vậy vẫn chưa đáp ứng kịp với nhu cầu gửi trẻ tăng nhanh của phụ huynh là công nhân lao động ngoài tỉnh ở các KCN.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 288 trường MN, với 94.270 trẻ theo học; có 353 nhóm trẻ gia đình và cơ sở nuôi giữ trẻ ký cam kết với địa phương đăng ký nuôi giữ trẻ với khoảng 6.000 trẻ. Trong đó có khoảng 245 trường MN (85 công lập, 160 tư thục) và 364 cơ sở nhóm/lớp độc lập tư thục thuộc các địa phương có KCN hoạt động, thu hút khoảng 84.000 trẻ, chiếm tỷ lệ 89% tổng số trẻ đến trường, lớp MN. |
Từ những lý do trên, để bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ MN, tỉnh đã linh động thực hiện các biện pháp để phát triển trường lớp trong KCN. Theo đó, các sở, ngành có liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, điều tra tình hình phát triển giáo dục MN ở các địa phương, lập quy hoạch, dành quỹ đất, xây dựng danh mục đầu tư xây dựng mới bổ sung hoặc xây dựng thay thế, mở rộng quy mô các trường MN, nhất là các địa phương đang bức xúc về nhu cầu gửi trẻ của người lao động có thể đầu tư xây dựng 2 - 3 trường MN ở mỗi phường. Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục MN Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, đến nay đã có 42 trường MN công lập được đầu tư xây mới giai đoạn 2011-2015, theo kế hoạch có 43 công trình được ưu tiên tiếp tục đầu tư giai đoạn 2016-2020. Theo chỉ đạo của tỉnh, các KCN hình thành và phát triển sau này đều dành khoảng 15 - 20% quỹ đất để xây dựng trường học, trong đó có giáo dục MN.
Cái hay của tỉnh là đã mạnh dạn giao đất cho tổ chức, cá nhân xây dựng trường học. Tính đến thời điểm hiện nay tỉnh đã giao đất, cho thuê đất khoảng 72.000m2 đối với 16 cá nhân, doanh nghiệp để xây dựng 16 trường MN tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 6.000 trẻ tại các địa phương có nhiều khu - cụm công nghiệp.
Riêng đối với việc xây dựng cơ sở giáo dục MN trong khu - cụm công nghiệp đã được hình thành trước đây, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND cấp huyện tham mưu tỉnh chỉ đạo theo hướng thông thoáng về chính sách, phương thức, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo; trước mắt có thể ưu tiên giải quyết sử dụng quỹ đất xây dựng khối làm việc văn phòng của doanh nghiệp để xây cơ sở giáo dục MN đối với các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục MN trên quan điểm phi lợi nhuận. Đến nay đã có 10 doanh nghiệp đầu tư 10 cơ sở giáo dục MN với hình thức này, thu nhận khoảng hơn 1.600 trẻ.
Chăm lo việc học tập cho con em người lao động nói chung là trách nhiệm của toàn xã hội. Riêng với ngành giáo dục - đào tạo đã thể hiện được trách nhiệm qua việc vận dụng nhiều biện pháp đưa sự nghiệp giáo dục, trong đó có MN tiếp tục phát triển. Cũng theo bà Huệ Trang, ngành tích cực tăng cường xây dựng đội ngũ MN đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục MN và nhiệm vụ phổ cập giáo dục MN 5 tuổi, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp, thường xuyên tự bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là đội ngũ MN tư thục. Đa dạng hóa các hình thức, nội dung, đối tượng, thời gian bồi dưỡng, bảo đảm tính phù hợp, tính đặc thù hoạt động của các cơ sở giáo dục MN tư thục tại các KCN đạt hiệu quả thiết thực. Ngành cũng thường xuyên quán triệt trong đội ngũ nhà giáo và người nuôi giữ trẻ thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ.
A.SÁNG