Kỳ 2: Xe buýt truyền thống cần sớm đổi mới
Ngoài những khó khăn khách quan như thiếu cơ sở bảo lãnh để ngân hàng cho vay đổi mới phương tiện, hệ thống hạ tầng quản lý, vận hành hoạt động xe buýt còn thiếu và yếu..., hiện nay xe buýt truyền thống còn phải tự phấn đấu để vượt qua những khó khăn, trở ngại mang tính chủ quan, như năng lực quản lý điều hành, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí để nâng cao hiệu quả hoạt động…
Xe buýt truyến thống đón khách tại Bến xe khách tỉnh. Ảnh: DUY CHÍ
Nhiều khó khăn
Qua hơn 10 năm hoạt động, hầu hết các phương tiện xe buýt của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đến nay đều xuống cấp, chất lượng hoạt động kém, trong khi chủ các đơn vị kinh doanh này không có điều kiện đổi mới phương tiện. Thống kê của Sở Giao thông - Vận tải cho thấy, toàn tỉnh hiện có 235 phương tiện vận tải hành khách công cộng, trong đó 50% phương tiện xe buýt có niên hạn sử dụng trên 10 năm. Do phải tự chủ trong kinh doanh nên giá vé xe buýt không còn hấp dẫn hành khách như khi mới đi vào hoạt động. Điều đáng nói, giá vé đi xe buýt cao nhưng chất lượng phục vụ thì không tương xứng; xe cũ xuống cấp, tính an toàn không cao, nóng bức do không có máy lạnh. Trong khi đó, hạ tầng, quỹ đất trên địa bàn tỉnh dành cho xe buýt còn thiếu và hạn chế; khoảng cách giữa các điểm dừng đỗ còn xa và bị lấn chiếm bởi các hoạt động khác; cùng với đó tính kết nối của xe buýt chưa cao, thiếu các tuyến nhánh và tuyến gom khách…
“Tham gia thị trường thì không ai muốn hình ảnh doanh nghiệp mình lu mờ trong lòng khách hàng. Nếu được đầu tư, hỗ trợ, chúng tôi có thể làm bằng hoặc tốt hơn, vì chúng tôi có lợi thế hiểu rõ tâm lý, văn hóa khách hàng. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi sẽ dễ dàng quản lý hơn bằng các quy định, các chuẩn mực hiện đại, văn minh, lịch sự”. (Ông Nguyễn Anh Tài, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Bến Cát) |
Hiện nay, hệ thống hạ tầng phục vụ công tác quản lý, vận hành xe buýt trên địa bàn tỉnh cũng còn non yếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ông Nguyễn Anh Tài, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Bến Cát, nêu dẫn chứng: Tuyến xe buýt Thủ Dầu Một - Bàu Bàng cự ly 52km nhưng chỉ có 11 trạm dừng, trung bình mỗi trạm dừng cách nhau trên 4,5km. Với cự ly này, hành khách không thể nào đi bộ từ nhà đến nhà chờ để đón xe buýt, mà họ thường đón xe buýt ngay gần nhà. “Vì lo trang trải cho cuộc sống nên các bác tài xe buýt đành đón khách ngoài nhà chờ. Nếu được đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, được trợ giá thì không doanh nghiệp nào dám… vượt rào”, ông Tài chia sẻ.
Một trong những nguyên nhân khiến hành khách không mặn mà đi xe buýt mà sử dụng phương tiện cá nhân được ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải tỉnh Bình Dương, dẫn chứng: So với TP.Hồ Chí Minh tuyến liên tỉnh dài nhất chỉ khoảng 30km, giá vé cao nhất là 6.000 đồng/người. Còn ở Bình Dương, tuyến liên tỉnh xa nhất đạt cự ly 90km, giá vé là 35.000 đồng/ người như tuyến xe buýt Bình Dương - Đồng Xoài (Bình Phước). Bên cạnh đó, trong tỉnh còn có tuyến Cổng xanh - Bàu Bàng, Mỹ Phước - Long Hòa, Mỹ Phước - Cây Trường… cự ly trên 50km/ tuyến, nhưng nhiều thời điểm mỗi chuyến xe chỉ có 5 hành khách. Ông Thanh nói, với khoảng cách xa mà số lượng khách ít, tiền bán vé không đủ trả tiền dầu, còn tiền lương cho nhân viên công ty phải móc hầu bao trả. Do hết khả năng bù lỗ nên đã có doanh nghiệp xe buýt chấp nhận bỏ tuyến, chấm dứt hoạt động.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, nhìn nhận: Năm 2010 là đỉnh cao về số lượng hành khách đi xe buýt của các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng tại Bình Dương, với 14,05 triệu lượt hành khách. Đến năm 2013, khi UBND tỉnh bỏ trợ giá xe buýt thì sản lượng giảm xuống còn 11,2 triệu lượt hành khách và đến nay chỉ còn 8,4 triệu lượt hành khách. Như vậy, trung bình mỗi năm, lượng hành khách đi xe buýt trong tỉnh giảm trên 1,4 triệu lượt khách.
Những yêu cầu đổi mới
Nhiều người có điều kiện đi ra những nước phát triển học tập, công tác cho rằng, những vấn đề mà xe buýt truyền thống tại Bình Dương cần phải đổi mới là công tác quản lý, vận hành xe buýt còn chưa thống nhất, chưa mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động khiến cho công tác quản lý vận hành xe buýt còn yếu kém so với những nơi đã đổi mới.
Ông Trương Văn Phương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo - đại biểu HĐND tỉnh, chia sẻ xe buýt Becamex Tokyu hoạt động suốt tuyến chỉ có 1 nhân sự làm nhiệm vụ lái xe kiêm bán vé, trong khi xe buýt truyền thống thì bên cạnh tài xế còn có phụ xe, nhân viên bán vé, tốn kém gấp 3 lần mà chất lượng hoạt động lại không cao. Với xe buýt Becamex Tokyu, tuy trên xe không có người phục vụ nhưng xe vẫn mát, sạch và sang trọng. Bởi vì bản thân chiếc xe đã được đầu tư và ứng dụng công nghệ cao vào trong vận hành với hệ thống giám sát, camera hành trình, máy bán vé tự động; máy lạnh luôn hoạt động ở chế độ mát và tự động điều chỉnh khi có đông khách trên xe. Cùng với đó, lái xe rất chuyên nghiệp, bài bản trong vận hành và ứng xử với hành khách; đến nơi đông người, giao lộ, nhà chờ... tài xế đều thông báo qua loa cho hành chuẩn bị. Hành khách đi xe buýt Becamex Tokyu rất thoải mái, ứng xử giữa lái xe và hành khách rất thân thiện nên lên xe hoặc xuống xe tất cả đều rất hài lòng.
Tham gia quản lý vận tải hành khách công cộng nhiều năm, ông Phan Triệu Thành, Phó trưởng phòng Kế hoạch điều hành quản lý cơ sở hạ tầng, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng của Sở Giao thông - Vận tải, cho rằng do thiếu quy định về quy chuẩn định vị để quản lý phương tiện vận tải hành khách nên đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị đầu tư hệ thống cho có, hiệu quả hoạt động không cao. Theo ông Ngô Đăng Khôi, phụ trách công tác nhân sự của Công ty TNHH Becamex Tokyu Bus, các tài xế của công ty sau khi được tuyển dụng sẽ được học tập phong cách và văn hóa phục vụ của công ty, trong đó chú trọng đến vấn đề ứng xử với hành khách. Ví dụ, hành khách mới đi xe lần đầu, không có thẻ đi xe tháng thì lái xe phải bỏ micro ra để hướng dẫn, tránh để người khác nghe làm hành khách tự ái; thường xuyên nhắc nhở hành khách giữ vệ sinh chung. Đặc biệt, tính an toàn, trước khi xuất phát, đến các giao lô đông người qua lại, lái xe phải “điểm kiếng” để xác định an toàn và thông báo cho hành khách. Nhờ được huấn luyện quan sát từ xa nên lái xe không bị giật mình, đánh lái khi gặp sự cố bất ngờ rất nguy hiểm cho hành khách trên xe. Sau 4 năm hoạt động, hình ảnh người lái xe buýt Becamex Tokyu đã được hành khách đánh giá cao. Nhiều đoàn công tác từ Nhật Bản và các tỉnh, thành cả nước đã đến công ty học tập kinh nghiệm và nhờ chuyển giao đào tạo.
Sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường vận tải nói chung và thị trường vận tải hành khách công cộng nói riêng, khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xe buýt truyền trống trong nước mất thị phần, giảm hiệu quả kinh doanh; có trường hợp đứng bên bờ vực phá sản, kêu cứu, thưa kiện... Để phòng ngừa rủi ro, tránh được khủng hoảng, trước tiên doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình để không bị động, bất ngờ trước những diễn biến của thị trường.
(Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam)
Kỳ cuối: Hướng đến xe buýt “xanh”
DUY CHÍ