Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng nấm linh chi, anh Hoàng Xuân Hòa ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo đã mạnh dạn áp dụng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên trại nấm gia đình anh cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Rời mảnh đất Quảng Trị, anh Hòa đi khắp các vùng miền ở Đông Nam bộ để tạo dựng cuộc sống mới, cố gắng thoát cảnh nghèo khó. Khoảng 30 năm trước, khi còn làm thuê tại Long Khánh (Đồng Nai), anh Hòa đã có dịp phụ giúp việc cho trại nấm linh chi và nhận thấy đây là mô hình kinh tế tốt. “Hồi đó, tôi đã ước ao mình có thể mở một trại nấm linh chi cho riêng mình. Đây là mô hình kinh tế tốt, nếu làm đúng các yêu cầu kỹ thuật và bảo đảm vấn đề khử trùng cho trại sau thu hoạch thì sẽ phát triển trang trại được lâu dài”, anh Hòa chia sẻ.
Anh Hoàng Xuân Hòa đang giới thiệu về kỹ thuật trồng nấm linh chi hồng
Kết hôn năm 1989, hai vợ chồng anh đã cố gắng làm ăn và tích lũy vốn để có thể thực hiện được mong muốn của mình. Khi có tiền trong tay, anh chị lên Phú Giáo để an cư và chọn xã An Bình làm nơi sinh sống cho cả gia đình sau này. Đầu năm 2000, vợ chồng anh mua đất làm nhà, bắt đầu trồng tiêu và cao su. Khi đã có một số vốn kha khá anh thực hiện ước mơ của mình. Năm 2008, anh Hòa bắt đầu làm nhà nấm và trồng nấm. Kinh nghiệm hồi còn đi làm thuê ở Long Khánh không đủ giúp anh tránh được thất bại ngay từ trại nấm đầu tiên. Anh Hòa tâm sự: “Khi đó tôi buồn lắm, điều kiện kinh tế không có mà lại thất bại. Nhưng từ thất bại đó, tôi mới hiểu đây là công việc cần sự cẩn thận hơn và tôi đã mua sách báo về đọc, đi tìm những trại nấm tại Bình Dương đạt hiệu quả cao để học tập. Thật may, tôi đã gặp chủ trại nấm Minh Khải - họ đã hỗ trợ tôi rất nhiều về kỹ thuật nuôi trồng và cung cấp phôi nấm cho tôi”.
Hiện trại nấm của anh Hòa có 12 nhà nấm, một nhà nấm có thể cấy 20.000 phôi nấm; tính trung bình 1 năm trại nấm gia đình anh xuất ra thị trường từ 7 - 10 tấn nấm. Trừ chi phí, vợ chồng anh cũng thu lời gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Theo anh Hòa, để nấm linh chi sinh trưởng, phát triển ổn định, trước hết phải nắm vững kiến thức, kỹ thuật. Thực tế, cách trồng và chăm sóc nấm linh chi cũng gần giống các loại nấm ăn thông thường khác. Nguyên liệu chủ yếu để trồng nấm là mùn cưa từ cây cao su rồi trộn thêm vôi, cám gạo và một số chất khác, sau đó ủ đóng bịch đưa vào lò hấp. “Trồng nấm linh chi không khó, nhưng muốn thành công và lâu dài phải tuân thủ nghiêm ngặt một số quy trình về kỹ thuật. Nấm trồng ở trong nhà có ánh sáng yếu và độ ẩm khoảng 80%, trong khoảng 35 ngày thì cho thu hoạch. Với thời tiết ở khu vực Đông Nam bộ, thời gian trồng nấm thích hợp nhất là từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm; thời gian còn lại dành cho việc vệ sinh, cải tạo trang trại trồng nấm. Trong thời gian này, người trồng nấm cần gỡ hết mùn, lưới trong trang trại và mang phơi nắng để tiêu diệt nấm dại”, anh Hòa nói thêm rằng khi thu hoạch nấm, người trồng phải dùng dao sắc cắt sát bề mặt túi, dùng vôi quét lên vết cắt để ngăn ngừa một số vi khuẩn thâm nhập làm hại nấm. Khác với các loại nấm ăn thông thường, thu hoạch nhiều đợt với thời gian khá lâu, nấm linh chi chỉ có thể thu được hai đợt duy nhất trong năm, song bù lại giá bán khá cao nên mang lại thu nhập cao cho người trồng.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông nông dân xã An Bình cho biết, mô hình trồng nấm linh chi của gia đình anh Hòa cho hiệu quả kinh tế khá cao. Trong điều kiện giá cao su xuống thấp thì đây là một trong những mô hình kinh tế được nhiều hộ nông dân đến học hỏi và làm theo.
HẢI YẾN