Hôm qua (7-11), đoàn khảo sát (nhóm 2) của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong 40 năm qua ở Việt Nam do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã khảo sát về phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN tại địa phương, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh.
Nhiều thành tựu nổi bật
Báo cáo tổng kết về phát triển nền KTTT định hướng XHCN trên địa bàn tỉnh, đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trên cơ sở nhận thức lý luận, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển KTTT định hướng XHCN, qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tập trung chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp kém phát triển, dựa nhiều vào thành phần kinh tế có vốn Nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế Nhà nước làm lực lượng dẫn dắt, đi đầu và kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài làm động lực chính trong phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ; đồng thời với phát triển kinh tế, tỉnh luôn chú trọng chăm lo, phát triển mọi mặt đời sống văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao mức sống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn.
Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn, khảo sát hệ sinh thái khởi nghiệp và sản xuất tiên tiến, thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Singapore. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh 7 thành tựu tỉnh đã đạt được trên các lĩnh vực, đó là: Nền kinh tế phát triển ổn định; tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện mang lại những thay đổi rất lớn cho Bình Dương trong công cuộc đổi mới và phát triển. Cơ chế phân bổ nguồn lực và phân phối kết quả được tạo ra trên cơ sở nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật khách quan của KTTT với đa dạng các hình thức sở hữu, đa dạng hình thức tổ chức sản xuất và kinh doanh. Các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến tích cực. Gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển y tế, giáo dục. Chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng mối quan hệ đối tác, hợp tác với các tổ chức quốc tế, mở rộng mối quan hệ đa phương và song phương, tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng, tạo môi trường thuận lợi hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại và giao lưu trên nhiều lĩnh vực. Hoàn thiện thể chế về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện tốt các giải pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Làm rõ hơn lý luận về mô hình phát triển
Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tập trung chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp kém phát triển, dựa nhiều vào thành phần kinh tế có vốn Nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế Nhà nước làm lực lượng dẫn dắt, đi đầu và kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài làm động lực trong phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ… |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những kết quả đạt được của Bình Dương qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN và hơn 25 năm sau khi chia tách từ tỉnh Sông Bé. Nhiều đại biểu đều có chung đánh giá, trong hơn 25 năm qua, Bình Dương đã có bước chuyển mình ấn tượng. Tỉnh đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời lấy doanh nghiệp (DN) Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch rất nhanh theo hướng hiện đại; mô hình tăng trưởng kinh tế ngày càng dựa nhiều vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Bình Dương đã đặt người dân làm trung tâm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong khi chính quyền tiếp tục kiến tạo cho sự phát triển xuyên suốt...
Các ý kiến đều đánh giá mô hình phát triển của Bình Dương qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển tiếp tục được bổ sung hoàn thiện dựa trên “Ba trụ cột” cơ bản là: Chính quyền kiến tạo - Nhân dân đồng hành - DN hành động. Trong đó, chính quyền kiến tạo là định hướng, xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, hình thành chính sách đặc thù của địa phương trên cơ sở hưởng ứng, tiếp thu các chủ trương của Trung ương. Chính quyền kêu gọi nhân dân đồng hành, tổ chức cho các DN hành động, huy động các nguồn lực phục vụ. Chính quyền kiến tạo, bảo đảm phân phối công bằng các tài nguyên, chia sẻ cả thành công và thất bại với DN nhưng không làm thay cho DN. Có thể thấy mô hình “Ba trụ cột” của Bình Dương tuy không mới nhưng lại rất hiện đại, vừa bảo đảm tuân theo quy luật của KTTT nhưng vẫn bảo đảm được định hướng theo XHCN, vì mục tiêu phát triển chung của tỉnh và quốc gia.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh: Đảng bộ và nhân dân Bình Dương nhiều thế hệ đã nhận thức phát triển kinh tế phải vì hạnh phúc của nhân dân và không để ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, động lực và mục tiêu của phát triển kinh tế; phát triển là để người dân phải được hưởng thụ.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá cao sự chuẩn bị của Tỉnh ủy Bình Dương trong việc tạo điều kiện thuận lợi để đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết các trao đổi rất thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết giữa đoàn công tác với các đồng chí lãnh đạo tỉnh... Các nội dung lớn đã trao đổi và thảo luận đều bám sát đề cương tổng kết 40 năm đổi mới, nhất là về phát triển nền KTTT định hướng XHCN. Các phần trao đổi, thảo luận đã trình bày rất sát với thực tiễn cũng như trình bày rất rõ nhận thức, quan điểm địa phương về mô hình KTTT định hướng XHCN; đồng thời đánh giá rất kỹ những đột phá trong tư duy, sáng tạo trong lý luận của Đảng, đặc biệt là bằng những mô hình, bằng thực tiễn trong phát triển KTTT nhằm làm sáng tỏ như yêu cầu của ban chỉ đạo tổng kết đã nêu để làm cơ sở kết luận tiếp tục hoàn thiện lý luận của Đảng trong thời gian tới...
TRÍ DŨNG