Trong những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT) tại Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cần có thêm những nguồn lực khác nhau của toàn xã hội nhằm hợp lực đẩy mạnh phát triển KTTT lên tầm cao mới.
Với chất lượng và số lượng bảo đảm, mô hình trồng bưởi tại xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên đang phát huy lợi thế của kinh tế tập thể
Phát triển rộng khắp
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển KTTT tỉnh, hiện Bình Dương có khoảng 347 tổ hợp tác (HT) với 5.944 thành viên, được phân bố đều khắp trên các địa bàn xã, phường, thị trấn. Hình thức hoạt động của loại hình này tại tỉnh chủ yếu là tương trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Các tổ HT này đều có xây dựng đầy đủ các hợp đồng HT, có góp vốn và được chứng thực của chính quyền địa phương nơi hoạt động.
Một trong những loại hình chủ chốt của KTTT tỉnh là hợp tác xã (HTX) cũng phát triển khá đồng đều. Tính đến nay, toàn tỉnh có 110 HTX hoạt động ổn định phân theo từng lĩnh vực hoạt động như vận tải, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, quỹ tín dụng nhân dân… với tổng vốn điều lệ lên đến 620,5 tỷ đồng, quy tụ 56.447 thành viên. Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, các HTX cũng nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, nỗ lực đổi mới và nâng cao năng lực nội tại qua từng ngày. Chỉ ra sự chuyển biến này, Liên minh HTX tỉnh cho biết, tuy nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng giá trị sản xuất của các HTX có hoạt động thường xuyên đạt 1.143 tỷ đồng trong năm 2014, thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 4.200 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng và thực hiện nghĩa vụ thuế lên đến 11,4 tỷ đồng.
Nhìn chung, các tổ HT, HTX đã hình thành và hoạt động đa dạng với nhiều hình thái khác nhau và thực sự rất cần thiết ở quy mô kinh tế hộ gia đình, mang lại hiệu quả thiết thực. Các tổ HT và HTX đã bước đầu giúp các hộ dân nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, tăng thêm năng lực cạnh tranh, sản xuất, kinh doanh thuận lợi…
Cần thêm nguồn lực
Trong Hội nghị tổng kết năm 2014 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển KTTT Bình Dương mới đây, các đại biểu cho rằng KTTT là loại hình phát triển kinh tế thực sự cần thiết, có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. Tuy nhiên, KTTT vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế và cần sớm khắc phục.
Các đại biểu cho rằng, các tổ HT đều có quy mô nhỏ, chỉ đủ đáp ứng một số nhu cầu cấp thiết của thành viên với mức đơn giản. Ngoài ra, mô hình kinh tế này chưa đủ sức hỗ trợ cho các hộ thành viên sản xuất hàng hóa, góp phần hạn chế rủi ro từ thiên tai và thị trường. Việc phát triển tổ HT chủ yếu chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp, trong khi đó các lĩnh vực khác lại phát triển rất yếu.
Bên cạnh đó, một số HTX lại hoạt động cầm chừng, chưa có những biện pháp linh hoạt để tháo gỡ khó khăn phát sinh nên tỏ ra lúng túng, bị động. Ngoài ra, hiện nay tuy có rất nhiều gói hỗ trợ phát triển KTTT ở Bình Dương nhưng do trình độ, năng lực của các cán bộ quản lý tổ HT, HTX còn yếu kém nên việc lập phương án sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng được các yêu cầu cần thiết để tiếp cận nguồn vốn…
Đánh giá về tình hình phát triển KTTT trong thời gian qua, ông Trần Văn Thấy, Chủ tịch Liên minh HTX Bình Dương cho biết: “Dù trong thời gian qua, KTTT ở Bình Dương có những bước phát triển đột phá nhưng công tác quản lý nhà nước về KTTT còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu tính thống nhất. Nguồn nhân lực cho việc phát triển khu vực KTTT còn nhiều hạn chế. Một số HTX còn mang tính hình thức, chưa đúng với bản chất, quy định của Luật HTX, hiệu quả hoạt động còn thấp, sản phẩm chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp…”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng trong thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền, vận động về phát triển KTTT ở Bình Dương. Đặc biệt, hiện nay tỉnh có một số nguồn quỹ ngân sách Nhà nước có lượng vốn lớn nhưng chưa kịp phát huy tác dụng do vướng cơ chế. Vì vậy trong thời gian tới, các nguồn quỹ này cần có những cách làm vận dụng, sáng tạo, phù hợp với pháp luật để thúc đẩy KTTT phát triển nhanh, mạnh hơn nữa tại Bình Dương. Muốn có được điều này, ngoài những nỗ lực lớn của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển KTTT cấp tỉnh, chính quyền các địa phương cần có sự cố gắng nhiều hơn nữa để chủ trương đẩy mạnh phát triển KTTT tại tỉnh có hiệu ứng xã hội đặc biệt, mang lại hiệu quả cao, thiết thực cho đời sống nhân dân”.
KHÁNH VINH