Năm 2021, TX.Tân Uyên xác định mục tiêu là phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, phát triển cộng đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ông Ngô Văn Dũng, HTX Bạch Đằng chăm sóc vườn bưởi của gia đình
Phát triển cả lượng và chất
Năm 2021, TX.Tân Uyên xác định mục tiêu là phát triển THT, HTX tăng về số lượng, chất lượng, với đa dạng các hình thức hợp tác, quy mô phù hợp với trình độ, năng lực quản lý, khả năng về vốn. Riêng đối với HTX, đáp ứng một phần nhu cầu vốn để phát triển dịch vụ nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường liên kết giữa các tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) với nhau, liên doanh với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Lĩnh vực KTTT mà nòng cốt là HTX có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TX.Tân Uyên. Mục tiêu cụ thể, thị xã sẽ tổ chức vận động phát triển, thành lập mới ít nhất 1 HTX; vận động các HTX tham gia thành viên Liên minh HTX tỉnh Bình Dương. Bảo đảm 100% HTX tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012; 60% HTX đạt khá, giỏi, 40% HTX trung bình và không có HTX yếu, kém. Tỷ lệ cán bộ HTX qua bồi dưỡng đạt 100%; thu nhập bình quân một lao động trong HTX đạt từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng; tổ chức mô hình liên kết giữa HTX và hộ nông dân để phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm.
Thị xã sẽ nghiên cứu, vận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT từ tỉnh đến cơ sở để khuyến khích mọi người tham gia vào mô hình KTTT. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển KTTT gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình kinh tế - xã hội của thị xã. Mở rộng liên doanh, liên kết, phát triển giữa các mô hình kinh tế hợp tác, HTX với nhiều ngành khác nhau theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chung của tỉnh, thị xã. Phát triển mới và nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực theo Luật HTX năm 2012. Đặc biệt là những ngành, lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản, dịch vụ nông nghiệp; khuyến khích phát triển THT trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với nhiều hình thức phù hợp với nhu cầu và sự tự nguyện của nông dân. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX hiện có, thu hút thêm thành viên, vận động thành viên góp vốn; đầu tư mới, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; vận động xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong các HTX...
Phát triển kinh tế nông nghiệp
Theo Phòng Kinh tế thị xã, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc đẩy mạnh phát triển liên kết các hình thức tổ chức sản xuất đã đạt được hiệu quả trong việc khai thác tiềm năng về đất đai, nguồn nhân lực của địa phương. Tại xã Bạch Đằng, HTX bưởi Bạch Đằng đang góp phần hướng tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Vốn là một THT trồng bưởi từ 6 năm trước, đến nay HTX bưởi Bạch Đằng đã phát triển mạnh với tổng diện tích 9,3 ha, chủ yếu trồng bưởi đường lá cam và bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc HTX bưởi Bạch Đằng, cho biết công tác phát triển thị trường được các thành viên đặc biệt chú trọng, HTX luôn tổ chức học hỏi kinh nghiệm, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín cho thương hiệu bưởi Bạch Đằng. HTX cũng đang tập trung xúc tiến ký kết hợp đồng với các nhà phân phối, tiêu thụ, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu, mở rộng các mô hình kết nối thương mại điện tử để giới thiệu các sản phẩm. HTX còn sản xuất tinh dầu bưởi, rượu bưởi, chè bưởi, dịch vụ và du lịch sinh thái...
Tại xã Thạnh Hội, sau thời gian thực hiện dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau Thạnh Hội, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ. Thương hiệu rau Thạnh Hội ngày càng được khẳng định và phát triển, tăng lợi nhuận cho người dân địa phương cũng như của những cơ sở kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể rau Thạnh Hội. Những nhà vườn trồng bạc hà và bí đỏ, hạt đậu áp dụng tiến bộ kỹ thuật và đạt tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận sau khi trừ các chi phí thu được khoảng 15 - 16 triệu đồng/1.000m2/vụ (6 tháng) đối với cây bạc hà và 10 - 11 triệu đồng/1.000m2/vụ (4 tháng) đối với cây bí đỏ hạt đậu. Trong thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường hoạt động của các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá nhãn hiệu tập thể, góp phần làm tăng giá trị và phát triển thương hiệu rau Thạnh Hội, giữ gìn và phát triển sản phẩm có thế mạnh, bảo tồn và tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND TX.Tân Uyên, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT thị xã, cho biết năm 2021 thị xã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về KTTT, tập trung hướng về cơ sở, tổ chức các chương trình gặp gỡ, hướng dẫn các HTX, THT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; định hướng phát triển KTTT gắn với xây dựng làng thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu..
KHẢI ANH