Với dân số đông và cơ sở hạ tầng viễn thông tương đối hoàn thiện, Bình Dương được đánh giá là thị trường tiềm năng cho ngành thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Hiện ngành công thương đã và đang có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.
Đại diện các DN trao đổi tại hội thảo về TMĐT do Sở Công thương phối hợp tổ chức Ảnh: KHẢI ANH
Nhiều cố gắng
Theo ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Sở Công thương, thời gian qua trung tâm đã có nhiều hoạt động hỗ trợ TMĐT phát triển, như kịp thời cung cấp thông tin, liên kết xuất khẩu trực tuyến và xúc tiến xây dựng sàn giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, trung tâm rất nỗ lực góp phần chuyển dịch từ kinh doanh truyền thống sang xuất khẩu trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động của DN.
Qua đó đã giúp DN giảm bớt các chi phí quảng cáo, tiếp thị, marketing, phân phối trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào. Các giải pháp phát triển TMĐT này góp phần nâng cao chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) của tỉnh, tạo nền tảng để DN hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bền vững.
Để hỗ trợ DN phát triển TMĐT, Sở Công thương đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực quản lý TMĐT nhằm bổ sung kiến thức TMĐT ứng dụng cho DN và cán bộ quản lý. Nội dung các lớp học nhằm hỗ trợ DN nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh trên internet, quảng cáo đặt banner/logo/iTVCs, tiếp thị bằng các công cụ tìm kiếm (google), quảng cáo qua mạng xã hội, Facebook marketing, phát triển cộng đồng, xây dựng thương hiệu, video marketing với Youtube... Trên cơ sở đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh và các chuyên gia phân tích những ưu điểm của marketing online so với marketing truyền thống để nâng cao nhận thức của DN về TMĐT.
Theo số liệu từ Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), hiện mới có khoảng 11% DN Việt Nam tham gia các sàn TMĐT, 35% DN thiết lập quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 DN đang hoạt động trong cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do kỹ năng ứng dụng TMĐT của DN còn hạn chế; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của DN chưa phát triển; rào cản về ngôn ngữ và cách thức, công cụ marketing… |
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của người dân và DN về các lĩnh vực công thương, xuất nhập khẩu, đầu tư, pháp luật, hội nhập kinh tế quốc tế, các chương trình hội chợ triển lãm trong và ngoài nước… Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh đã cung cấp thông tin kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công thương và các hình thức liên lạc trực tiếp. Trung tâm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu đào tạo quản lý - RIMT (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức 2 lớp tập huấn về TMĐT, gồm lớp tập huấn kỹ thuật thực hành Digital Marketing 3.0 và lớp tập huấn kiến thức TMĐT cho DN với gần 140 học viên tham gia.
Trung tâm cũng đã và đang nỗ lực cung cấp đến các DN trên địa bàn tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, giải pháp thanh toán thương mại, tầm quan trọng của liên kết dịch vụ hỗ trợ trong việc thúc đẩy xuất khẩu cho DN Bình Dương... Hiện trung tâm còn phối hợp với đơn vị tư vấn đẩy mạnh tiến độ hoàn thành sàn giao dịch TMĐT Bình Dương.
Đánh giá về những thách thức trong việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh, các chuyên gia cho rằng hiện không ít DN trong nước tham gia vào ngành TMĐT và xác định đây là mục tiêu phát triển lâu dài, nhưng cũng chỉ mới tiếp cận bề nổi như thành lập trang thông tin điện tử, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo... Nhiều DN chưa chú ý đến các yếu tố tương tác với khách hàng, kết nối chuỗi cung ứng, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin...
Doanh nghiệp cần chủ động
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) Bộ Công thương, cho biết đơn vị đang tiếp tục tham mưu, đề xuất xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ DN tiếp cận và phát triển thị trường, tăng cường cơ hội xuất khẩu. Ngoài ra, phát triển thương mại trên các sàn giao dịch TMĐT lớn cũng đồng thời là một trong những cách nhanh nhất để DN có thể gây dựng thương hiệu riêng và tiếp cận khách hàng.
Trong chương trình hợp tác với Tập đoàn Amazon, dựa trên các tiêu chí như kinh nghiệm xuất khẩu, năng lực TMĐT, trình độ nhân lực… Bộ Công thương lựa chọn được 105 DN tham gia các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, kỹ năng quảng cáo trên TMĐT… do chuyên gia của Amazon giảng dạy. Thời gian đầu, khi mới lập tài khoản trên Amazon, DN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và ngôn ngữ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời từ các chuyên gia của chương trình, DN dần vượt qua các trở ngại.
Theo ông Phú, tuy số lượng DN bán hàng thành công trên Amazon chưa nhiều nhưng bước đầu DN nhỏ và vừa trong nước đã thâm nhập được thị trường Hoa Kỳ thông qua TMĐT theo hình thức B2C tới tận tay người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Amazon và Cục XTTM đặt ra từ những ngày đầu đàm phán. Trong tương lai, chương trình này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thành quả to lớn hơn.
Trong khuôn khổ chương trình xúc tiến xuất khẩu qua Amazon giai đoạn 2020-2021, Cục XTTM sẽ phối hợp với tập đoàn này hỗ trợ DN xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động cụ thể. Theo đó, đơn vị sẽ hướng dẫn DN vừa và nhỏ áp dụng và sử dụng “Amazon Brand Registry” 2.0 hoặc công cụ “Nội dung thương hiệu nâng cao” của Amazon. Đây là chương trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các DN trên Amazon. Cùng với đó, cục phối hợp với Amazon lựa chọn sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam bán chạy, có uy tín và đưa vào danh sách ưu tiên hiển thị trên Amazon.
Thông qua chương trình, sự kiện XTTM trong và ngoài nước, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Amazon tổ chức quảng bá cho DN tham gia chương trình có sản phẩm bán chạy, giúp DN tiếp cận thêm đối tác tiềm năng trong và ngoài nước. Ở chiều ngược lại, Amazon sẽ hỗ trợ Cục XTTM và các tổ chức XTTM của Việt Nam mở gian hàng chung trên Amazon. Dự kiến, Cục XTTM sẽ thành lập một tài khoản bán hàng chung và lựa chọn một số DN có sản phẩm phù hợp cùng sử dụng tài khoản này. Đây là cách thức giúp DN vừa và nhỏ có cơ hội thực hành và rút kinh nghiệm trước khi tự đứng ra sử dụng tài khoản bán hàng độc lập. Theo đó, mỗi gian hàng chung sẽ là đại diện bán hàng cho hàng chục DN với hàng trăm sản phẩm.
Ông Phạm Thanh Dũng cho biết, điều cốt lõi để DN tham gia và phát triển kinh doanh lâu dài trên nền tảng TMĐT vẫn là uy tín và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó là sự chủ động của DN trong đầu tư và nâng cao kỹ năng ứng dụng TMĐT, có kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững.
KHẢI ANH