Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất bỏ thanh tra huyện

Cập nhật: 19-04-2022 | 06:11:26

Quang cảnh phiên họp chiều 18/4.

Chiều 18/4, Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi.

Đáng chú ý, có nhiều ý kiến khác nhau về việc bỏ thanh tra huyện.

Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết dự thảo Luật Thanh tra quán triệt quan điểm "Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới" và mục đích hoạt động thanh tra nhằm kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước.

Vì vậy, dự thảo Luật Thanh tra lần này đề cao vai trò và rõ trách nhiệm hơn của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kết luận, kiến nghị thanh tra, nâng cao việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, dự thảo Luật giữ nguyên hệ thống tổ chức gồm thanh tra chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí việc tổ chức các cơ quan thanh tra chính phủ và thanh tra tỉnh như hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện do ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, nên không phát huy được hiệu quả.

Bên cạnh đó là để phù hợp với chủ trương về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng "dàn đều" về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp tỉnh.

Hướng ý kiến này cũng cho rằng việc bỏ thanh tra huyện vẫn bảo đảm nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra" vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho thanh tra tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo Luật tiếp tục duy trì thanh tra huyện như hiện nay vì cho rằng tổ chức thanh tra hành chính ở cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp.

Việc duy trì, củng cố cơ quan thanh tra hành chính ở cấp huyện để tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân cấp huyện về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra."

Việc giữ mô hình thanh tra huyện còn để bảo đảm phù hợp và thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng vì các luật này đều giao nhiệm vụ, quyền hạn nhất định cho thanh tra huyện.

Những vấn đề bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện hiện không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà cần được quan tâm giải quyết, bảo đảm đủ điều kiện, năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Về sắp sếp bộ máy cơ quan thanh tra, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng thanh tra cấp huyện rất quan trọng, từ thực tiễn thấy không nên bỏ vì thanh tra cấp huyện thay mặt nhà nước để thực hiện nhiệm vụ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách, giải quyết khiếu nại tố cáo từ địa phương, cơ sở, cấp xã, phường.

"Nếu bỏ thanh tra huyện thì ai làm vấn đề này. Nếu thí điểm thì đề nghị không nên đưa vào Luật," ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Cũng đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng thanh tra huyện rất cần thiết, thậm chí rất quan trọng. Bởi ở cấp xã không có thanh tra, nếu bỏ thanh tra huyện sẽ có "khoảng vắng" giữa cấp xã, phường và thanh tra tỉnh. Trong khi công việc ở cơ sở, phường, xã ngày càng nhiều, càng phức tạp; thanh tra tỉnh khó thể bao quát được hết.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, trước khi đối thoại với dân, ban hành quyết định hành chính cũng phải có cơ quan thanh tra. Từ đó, ông Nguyễn Phú Cường kiến nghị: "Không những không bỏ, mà cần tăng cường thêm vai trò, nhân lực cho Thanh tra cấp huyện."

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, có ý kiến cho rằng giữ nguyên hệ thống tổ chức 3 cấp gồm: thanh tra chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. Có ý kiến đề nghị bỏ thanh tra huyện. Việc này có liên quan đến Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có nêu vấn đề 2 cấp thanh tra.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến; vấn đề này "không chốt chặt," mà đưa ra để Quốc hội thảo luận.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra để sau khi ban hành Luật có điều kiện xây dựng ngành thanh tra thực sự trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản trị nhà nước, quản lý xã hội.

Bỏ thanh tra thường xuyên để tránh chồng chéo

Về hình thức thanh tra, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì có 3 hình thức là: thanh tra theo kế hoạch; thanh tra thường xuyên; thanh tra đột xuất.

Dự thảo Luật Thanh tra lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Việc bỏ hình thức thanh tra thường xuyên sẽ góp phần khắc phục tình trạng "chồng chéo, trùng lặp" dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.

Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với quy định này của dự thảo Luật vì thực chất của thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, nên nếu duy trì hình thức thanh tra này là không đúng với tính chất của hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, từ chỗ nhận thấy rõ thực trạng "hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra," Chính phủ đã chỉ đạo đưa vào dự thảo Luật nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nội dung có nguy cơ dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=456
Quay lên trên