Sáng nay (16-1), Hội thảo “20 năm phát triển đô thị Bình Dương” sẽ diễn ra tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Hội thảo quy tụ hàng chục giáo sư, tiến sĩ tên tuổi, nhà nghiên cứu đô thị trong và ngoài nước về tham dự. Dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một về các vấn đề xung quanh hội thảo.
Một góc đô thị Thủ Dầu Một. Ảnh: XUÂN THI
- Thưa Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Trọng Quyền, xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của hội thảo diễn ra hôm nay?
- Đây là lần thứ hai trường Đại học Thủ Dầu Một tiến hành một hội thảo quy mô cấp quốc gia về phát triển đô thị một cách chuyên sâu và khoa học. So với hội thảo lần thứ nhất với chủ đề “20 năm đô thị hóa Nam bộ - lý luận và thực tiễn”, thì hội thảo lần này với chủ đề “20 năm đô thị hóa Bình Dương - những vấn đề thực tiễn” tập trung sâu vào vấn đề đô thị hóa của Bình Dương, với các mục tiêu: Đặc điểm 20 năm (1997-2016) đô thị hóa Bình Dương; tác động của đô thị đến kinh tế - xã hội; cung cấp các luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách và kế hoạch đô thị của tỉnh.
Thực tế cho thấy, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng tại Bình Dương trong vài thập kỷ gần đây. Việc Bình Dương đang chuẩn bị lộ trình trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương càng làm cho hội thảo thêm phần ý nghĩa. Chúng tôi hy vọng, sau hội thảo này nhiều vấn đề liên quan tới phát triển đô thị sẽ được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phân tích, đánh giá rõ ràng, rành mạch giúp cho tỉnh nhà có thêm cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược, kế hoạch và các giải pháp phát triển đô thị trong thời gian tới.
Chúng tôi rất vui mừng vì đón nhận được sự nhiệt tình tham gia, ủng hộ từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu về phát triển đô thị trong nước và quốc tế về tham dự hội thảo. Kỷ yếu hội thảo với gần 80 bài tham luận dày hơn 800 trang, chất lượng tốt, bám sát với thực tiễn của Bình Dương. Tất cả bài tham luận này đã phải trải qua quá trình sàng lọc, phản biện khoa học nghiêm túc nhất để đem lại chất lượng tốt nhất cho hội thảo.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra hội thảo, Đại học Thủ Dầu Một sẽ đón nhận một số giáo sư, tiến sĩ có nhiều kinh nghiệm phong phú về quy hoạch phát triển đô thị đến từ Pháp. Đây là cơ hội giao lưu giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để bàn đến vấn đề tất cả các quốc gia đang quan tâm là phát triển đô thị.
- Thưa ông, những vấn đề gì đáng quan tâm sẽ được đem ra thảo luận tại hội thảo?
- Việc phát triển đô thị liên quan rất nhiều vấn đề mà Bình Dương phải quan tâm. Đó là công tác quy hoạch, kiến trúc, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…; những sự thay đổi về tư duy nhận thức của người dân trong lộ trình từ tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời gian diễn ra hội thảo, các bài tham luận sẽ trình bày rõ đặc điểm đô thị hóa Bình Dương; những tác động ảnh hưởng trực tiếp như thế nào của quá trình đô thị hóa đối với việc phát triển kinh tế - xã hội; những sức ép về giáo dục, y tế, văn hóa… của Bình Dương sẽ phải đối mặt trong tương lai, để từ đó tìm ra những phương pháp hiệu quả nhất.
Hội thảo sẽ tập trung 4 vấn đề lớn, đó là gắn kết việc công nghiệp hóa với đô thị hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch kiến trúc - hạ tầng kỹ thuật cho đô thị; biến đổi kinh tế - xã hội trong quá trình đô thị hóa; tác động đến môi trường, di sản văn hóa-lịch sử địa phương trong quá trình đô thị hóa. Hội thảo sẽ đưa ra các tham luận với luận chứng khoa học và thực tiễn có sự tham chiếu với các đô thị lớn trong nước và ngoài nước, để Bình Dương có căn cứ khoa học tìm ra giải pháp để phát triển đô thị trong tương lai như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đã đưa ra: Phát triển Bình Dương thành đô thị văn minh - giàu đẹp - sống tốt.
- Thưa ông, việc phát triển đô thị của Bình Dương có những điểm gì khác so với các đô thị tương tự như Đà Nẵng, Cần Thơ?
- Bình Dương có rất nhiều thuận lợi để phát triển đô thị nếu so với hai thành phố kể trên. Về mặt địa lý và khí hậu, Bình Dương là vùng có đất nền vững chắc, khí hậu tương đối ôn hòa, hầu như ít gặp thiên tai. Trong khi đó, xu hướng các nhà đầu tư thường chọn những vùng đất như vậy để đầu tư vì rủi ro rất thấp, chi phí xây dựng giảm, điều này sẽ giúp Bình Dương rất nhiều trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho một đô thị kiểu mẫu trong tương lai. Đồng thời, việc Bình Dương vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thông thoáng cũng sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư đến với Bình Dương... Tuy vậy, sức ép của Bình Dương cũng rất lớn. Chẳng hạn Bình Dương hiện đang tiếp nhận lực lượng lao động dồi dào từ các tỉnh, thành về; bên cạnh mặt tích cực là tạo ra thị trường lao động phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, thì áp lực về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, môi trường, chính sách xã hội… cũng sẽ tăng cao.
Đô thị hóa tại Bình Dương vừa cần các cơ chế, chính sách xuyên suốt phù hợp với nhu cầu thực tế, vừa đòi hỏi sự tự điều chỉnh cao của mọi thành phần cư dân tại địa phương. Lối sống, tác phong quen với kiểu sản xuất nông nghiệp rồi cũng sẽ tự thân mỗi người điều chỉnh. Cơ chế tự điều chỉnh này sẽ giúp thay đổi tác phong, tư duy của con người Bình Dương trong quá trình chuẩn bị trở thành người của đô thị, người của nhịp sống công nghiệp, hiện đại.
- Điều mà bản thân ông cũng như trường Đại học Thủ Dầu Một kỳ vọng thông qua hội thảo này là gì, thưa ông?
- Chúng tôi mong muốn góp phần tích cực vào việc quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương trong giai đoạn 2016- 2030, tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị Bình Dương đến năm 2050. Việc xây dựng Bình Dương trở thành đô thị kiểu mẫu cho cả vùng Đông Nam bộ là nhiệm vụ mang nhiều ý nghĩa đối với những người tâm huyết, yêu mến và gắn bó với mảnh đất Bình Dương. Thông qua hội thảo này, trường Đại học Thủ Dầu Một mong muốn tạo ra một luồng gió mới trong việc nghiên cứu khoa học để thu hút đông đảo giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu tề hội về Bình Dương. Bên cạnh đó, hội thảo có rất nhiều ý nghĩa, vừa đẩy mạnh công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học cho nhà trường, vừa góp sức cho tỉnh nhà định hướng và phát triển đô thị trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Hiện trường Đại học Thủ Dầu Một đang tổ chức chương trình nghiên cứu chuyên sâu nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, văn hóa - lịch sử, kiến trúc và quy hoạch đô thị… của cả vùng Đông Nam bộ. Do vậy, hội thảo mang rất nhiều kỳ vọng của đội ngũ nhà nghiên cứu, nhà khoa học không riêng gì của trường Đại học Thủ Dầu Một mà còn trên phạm vi khu vực. Cũng cần phải khẳng định rằng, tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hóa của Bình Dương đang tăng rất nhanh thì nhu cầu về nguồn lực, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục - đào tạo nguồn lực tại tỉnh nhà cũng sẽ tăng cao. Đại học Thủ Dầu Một không thể đứng ngoài xu thế phát triển của tỉnh nhà. Giai đoạn lịch sử chuẩn bị chuyển mình thành đô thị trực thuộc Trung ương đòi hỏi nhiều sự thay đổi về hạ tầng kỹ thuật, trong đó giáo dục và nghiên cứu khoa học phải là người lĩnh xướng tiên phong. Đại học Thủ Dầu Một mong muốn góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện của Bình Dương trên con đường trở thành đô thị văn minh - giàu đẹp - sống tốt của người dân cả nước.
PHÙNG HIẾU (thực hiện)