Thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trong cả nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng ngày càng phức tạp và xuất hiện thêm nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL, GLTM, HG) là cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, còn đòi hỏi sự ủng hộ, góp sức của nhân dân.
Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo chống BL, GLTM, HG (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác chống BL, GLTM, HG được các thành viên, địa phương trong tỉnh quan tâm, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và tỉnh. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố nhiều vụ buôn lậu có số lượng lớn, giá trị lớn, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, nhìn từ thực tiễn tổ chức đấu tranh các hành vi vi phạm, đại diện các địa phương, cơ quan chức năng trong tỉnh cho rằng dường như việc ứng xử của người dân đối với các hành vi GLTM chưa thực sự tích cực.
Lực lượng kiểm tra liên ngành kiểm kê hàng nhập lậu,
hàng giả trước khi tiêu hủy. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhận xét: “Quan sát trong thực tế, tôi thấy khi đi ăn uống, mua sắm khách hàng không lấy hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), còn đơn vị bán cố tình lờ đi nghĩa vụ xuất hóa đơn cho khách. Tình trạng này đang phổ biến, không chỉ người tiêu dùng thiệt hại mà còn khiến Nhà nước thất thu thuế. Với thói quen không lấy hóa đơn VAT của đại đa số người dân thì khách hàng có thể gián tiếp tiếp tay cho doanh nghiệp trốn thuế nếu doanh nghiệp không tự giác kê khai”. Bà Hạnh cho rằng, muốn thay đổi thực tế nói trên phải xuất phát từ phía người tiêu dùng. Nếu công tác chống GLTM chỉ trông cậy vào cơ quan chức năng thì sẽ khó đạt kết quả như mong muốn.
Ông Đỗ Thanh Sử, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An, cho biết thực tế hoạt động BL, GLTM, HG vẫn thâm nhập vào thị trường, hễ lực lượng chức năng kiểm tra là có vi phạm... Nguyên nhân một phần là do TX.Thuận An có địa bàn rộng, tập trung nhiều công ty, xí nghiệp, dân số trên 530.000 dân. Lợi dụng điều kiện này, không ít tiểu thương vì lợi nhuận hoặc nhận thức chưa đầy đủ đã nhập những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả về bán dù biết hàng hóa có vấn đề. Một nguyên nhân quan trọng không kém là do người tiêu dùng thiếu thông tin, đôi lúc thờ ơ với chính sức khỏe của bản thân mà chọn bừa sản phẩm để mua. Điều này đã vô tình giúp hàng giả, kém chất lượng vẫn còn đất sống.
Về tình trạng một số người bày bán thực phẩm tươi sống thiếu tập trung, khó kiểm soát được chất lượng thực phẩm, đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho biết điều cơ quan chức năng và người dân hiện nay lo lắng là tình trạng bày bán thịt dê, thịt heo di động, thủy hải sản dọc theo một số tuyến đường ở các TX.Bến Cát, Thuận An, Dĩ An và trong các khu dân cư. Đáng nói, khi vừa thấy lực lượng chức năng, người bán lập tức đóng sập quầy hàng, tẩu tán hàng hóa để đối phó hoặc sẵn sàng bỏ địa điểm di dời sang nơi khác. Cứ qua lần kiểm tra của lực lượng chức năng thì người bán vi phạm lại và bán tiếp. Với tập quán của nhiều người thích mua hàng ở dọc lề đường, nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm bày bán lề đường không được kiểm soát chặt thì cũng rất khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông. Trước thực tế này, lực lượng chức năng không đủ người để giám sát, xử lý hết được.
Tuyên tuyền dễ hiểu, gần gũi
Theo các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, bên cạnh hàng loạt giải pháp như tăng cường phối hợp xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống BL, GLTM, HG theo chức năng địa bàn quản lý... đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao nhận thức và tham gia phòng, chống BL, GLTM, HG cũng là một giải pháp đặc biệt quan trọng cần được tiếp tục quan tâm nhằm góp phần ngăn chặn, kiềm chế hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả trên địa bàn. Theo bà Hạnh, những con số được công bố cho thấy, số vụ việc vi phạm bị bắt giữ, số đối tượng bị xử lý hành vi vi phạm về thương mại thời gian qua trên địa bàn tỉnh chỉ là phần nổi trong cuộc chiến chống các hành vi vi phạm về thương mại. Do vậy, điều cần làm hiện nay là nâng cao ý thức và kỹ năng nhận biết cho người dân để nói không với hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo đó, công tác tuyên truyền cần đánh đúng vào tâm lý của người dân, tạo sự đồng thuận của xã hội. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong việc giám sát; người dân cần kịp thời tố giác với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng các đối tượng có hành vi BL, GLTM...
Nhấn mạnh đến hiệu quả từ công tác phòng ngừa, tăng cường phát hiện BL, HG thông qua công tác tuyên truyền đến người dân, ông Sử cho rằng làm sao để hình ảnh minh họa sản phẩm giả, kém chất lượng trong thực tế tương xứng, dễ hiểu với nội dung tuyên truyền mới là việc khó. Muốn vậy, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cần trực quan sinh động, đồng thời dẫn chiếu luật thật gần gũi, dễ hiểu để người dân hiểu, làm sao để người dân biết được hàng gian hàng giả một cách chính xác. “Nhà quản lý phải có trách nhiệm hướng dẫn cho dân hiểu, biết tác hại của việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng hàng giả. Bên cạnh đó, việc mời dân đến họp để tuyên truyền, tập huấn nhận biết hàng giả - hàng thật cũng cần sắp xếp thời gian, địa điểm hợp lý để người dân đến dự. Đó là cách làm nhanh nhất, hiệu quả nhất từ cơ sở, các tổ chức đoàn thể và người dân phải xắn tay vào thì công tác chống BL, GLTM, HG mới đạt hiệu quả cao”, ông Sử nói.
Theo các chuyên gia, nếu cả hệ thống chính trị nỗ lực, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, người dân chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh chắc chắn sẽ tạo sự lan tỏa, thay đổi lớn về nhận thức và hành động của người dân trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi BL, GLTM. Từ đó góp phần quan trọng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của chính người dân.
THANH HỒNG