Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Phú Giáo đã có các chính sách, biện pháp nhằm phát huy hiệu quả, đẩy mạnh phát triển KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX).
Anh Phạm Văn Hiên (đứng), xã viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long Nguyễn Văn Cường bên vườn dưa lưới của gia đình
Nhân rộng mô hình tiên tiến
“Nguồn vốn từ Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Phước Hòa đã tiếp sức kịp thời, giúp tôi có động lực làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tạo được cơ ngơi như ngày hôm nay”, đó là tâm sự của ông Bùi Ngọc Mỹ, ấp 1B, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo. Nhìn xưởng gỗ rộng 2.500m2 với khoảng 30 lao động, ít ai biết rằng trước đây kinh tế gia đình ông Mỹ rất khó khăn, một năm chỉ trông chờ vào vụ lúa và hoa màu. Quyết tâm xoay chuyển hoàn cảnh, ông đã mạnh dạn chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, vay 30 triệu đồng để đầu tư 2 máy xẻ gỗ. Với ý chí của một cựu chiến binh không ngại khó cộng với nguồn vốn Quỹ TDND đã giúp gia đình ông dần thay đổi cuộc sống. Từ lợi nhuận nhỏ ban đầu ông mở rộng dần quy mô sản xuất, đến nay doanh thu đạt 2 - 3 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho người lao động với thu nhập trung bình 14 - 15 triệu đồng/tháng.
Không riêng ông Mỹ, những năm qua nhờ nguồn vốn từ Quỹ TDND đã giúp nhiều người dân trên địa bàn xã Phước Hòa và các địa phương khác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Giáo, cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có Quỹ TDND Phước Hòa được ghi nhận là mô hình kinh tế hợp tác hoạt động ổn định, hiệu quả. Hàng năm Quỹ TDND Phước Hòa tạo điều kiện cho những cá nhân vay vốn với lãi suất thấp để kích thích sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương phát triển”.
Từ hiệu quả trong quá trình hoạt động, hàng năm Quỹ TDND Phước Hòa đã thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, mở rộng quy mô hoạt động ngày càng vững chắc, an toàn. Bà Lê Thùy Linh Giang, Giám đốc Quỹ TDND Phước Hòa, chia sẻ: “Quỹ TDND Phước Hòa hoạt động từ năm 1997 với 17 thành viên, số vốn 50 triệu đồng, hoạt động trong phạm vi 3 xã. Cuối năm 2021 nâng tổng số thành viên lên hơn 4.000 với tổng nguồn vốn hoạt động gần 494 tỷ đồng, địa bàn được mở rộng ở 7 xã và 1 thị trấn thuộc 3 huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Quỹ TDND Phước Hòa hướng đến mục tiêu tương trợ lẫn nhau của các thành viên, cá nhân, tổ chức nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển”.
Liên kết, phát huy thế mạnh địa phương
Theo chân cán bộ địa phương chúng tôi đến tham quan mô hình trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình), một trong những HTX hoạt động hiệu quả với doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm góp phần ổn định cuộc sống cho 45 xã viên, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động.
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX, không giấu niềm tự hào: “Mô hình trồng dưa lưới là tâm huyết của các thành viên trong gia đình. Ban đầu các thành viên hoạt động theo mô hình tổ hợp tác (THT), đến năm 2018, nhận thấy THT hoạt động hiệu quả cao nên đã vận động thêm bà con tham gia để nâng lên thành HTX sản xuất theo hướng công nghệ cao, từ 8 xã viên đến nay HTX đã có 45 xã viên. Ngoài ra, tôi còn liên kết với một số hộ ở tỉnh Bình Phước, An Giang, Đồng Nai. Những hộ này được cung cấp đầu vào như giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật và được bao tiêu như các xã viên tại Bình Dương”.
Xã viên Phạm Văn Hiên, ngụ ấp Rạch Chàm (xã An Bình), cho biết: “Tôi trồng 5 sào dưa lưới, khi tham gia HTX được chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, được bao tiêu nên tôi rất yên tâm sản xuất. Sản phẩm được phân phối vào các kênh tiêu thụ có uy tín như siêu thị và xuất khẩu, kênh tiêu thụ mà trước đây chúng tôi không dễ đưa vào”.
Cũng theo ông Quyết, nhằm khắc phục tình trạng bão hòa và để đi xa hơn, hiện nay HTX đang nghiên cứu chế biến sản phẩm mới từ dưa lưới sau thu hoạch. Nếu thử nghiệm thành công sẽ hướng tới thị trường nước ngoài với số lượng lớn, HTX sẽ mở rộng quy mô và tiếp nhận thêm hộ dân mới. Từ hiệu quả của mô hình HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long cho thấy liên kết, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển, tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn đủ sức cạnh tranh trên thương trường, đem lại lợi ích cho thành viên.
Là huyện thuần nông, nông nghiệp vẫn là thế mạnh trong việc phát triển kinh tế tại huyện Phú Giáo. Bên cạnh HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, trên địa bàn huyện có một số HTX hoạt động có hiệu quả, như: HTX Nông nghiệp Bình Dương (xã Phước Sang), HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa), HTX Chăn nuôi dê (xã An Linh)... Theo ông Trịnh Đình Hải, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT xã An Bình, KTTT trên địa bàn xã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹthuật vào sản xuất, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, tạo thu nhập nhằm bảo đảm ổn định đời sống cho xã viên và người lao động.
Huyện Phú Giáo hiện có 8 THT và 23 HTX, tổng doanh thu năm 2021 của các HTX đạt hơn 44 tỷ đồng, tăng so với năm 2020, thu lợi nhuận khoảng 267 triệu đồng. Để đẩy mạnh phát triển, thời gian tới huyện tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò quan trọng trong phát triển KTTT. Tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ thêm chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính về THT, HTX, khuyến khích người dân tham gia và tiếp cận các nguồn vốn để tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất... Huyện cũng kiến nghị Liên minh HTX tỉnh giới thiệu các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả để học tập kinh nghiệm, nhân rộng... (Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT huyện Phú Giáo) |
TIẾN HẠNH