Về Tân Bình hôm nay, chúng ta không chỉ tự hào là vùng căn cứ kháng chiến năm xưa mà còn tự hào về một địa phương luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Các thành viên trong Hội cựu chiến binh phường thường xuyên đến thắp nhang, dọn dẹp Bia tưởng niệm suối Mạch Máng
Những trang sử oai hùng
Từ UBND phường Tân Bình, chúng tôi ngược xe về hướng khu phố Tân Phước. Con đường Mả 35 trải dài, uốn lượn trong khu phố từ lâu đã đi vào lịch sử. Đứng trên con đường đã từng xảy ra sự kiện “Mả 35” (năm 1947) và trận đánh suối Mạch Máng (1968), cảm xúc về dòng lịch sử oai hùng nơi đây lại ùa về.
Ngôi mộ Mả 35 vẫn còn đó như nhắc nhở lớp thế hệ con cháu Tân Bình về tội ác của giặc. Ông Lê Đức Phong (tự Hai Phong), thương binh 3/4 cho biết: “Tháng 3-1947, lính Pháp và Cao Đài mở cuộc hành quân càn quét khu vực lò đường An Phú thì lọt vào ổ phục kích của ta. Địch bị đánh tiêu hao lực lượng trước khi rút chạy về bót. Trên đường tháo chạy ngang qua ấp Tân Phước gặp bất cứ ai là chúng bắt về đồn. Đến 12 giờ trưa ngày 14-3, 30 người bị đem ra bắn. Tiếp đó chúng bắt thêm 5 người khác đến đào huyệt rồi hành quyết và vùi tất cả 35 người chung một hố chôn tập thể”.
Đến thời kỳ chống Mỹ, con đường qua khu phố Tân Phước này chứng kiến thêm lần nữa nỗi đau chiến tranh. Cô Đinh Thị Thảo (tự Út Ẻn), thương binh 2/4 kể lại: “Sáng ngày 5-8-1968, cuộc chạm trán giữa quân ta và 2 tiểu đoàn lính Mỹ đã diễn ra ác liệt trong nhiều giờ, địch bị tổn thất nặng. Để trả đũa, Mỹ huy động hàng chục máy bay quyết cày nát hầm hào giao thông, công sự chiến đấu. Bộ đội, du kích của quân ta vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu đến cùng.
Mặc dù bị địch khủng bố ác liệt nhưng nhân dân Tân Bình vẫn một dạ theo kháng chiến. Người dân không quản ngày đêm tập trung sức người, sức của xây dựng ô, ụ, chướng ngại vật trên các trục lộ giao thông để cản đường tiến quân của địch. Vào mỗi buổi sáng, từ lúc còn tinh mơ bà con đã chia nhau đi thăm dò các lùm cây, bụi rậm nơi địch có khả năng mai phục, thông báo cho cán bộ, du kích ta đối phó kịp thời. Hàng trăm thanh niên nam nữ ngày đêm bí mật vận chuyển hàng, lương thực để tiếp tế cho bộ đội.
Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng
Để ghi nhớ công ơn các anh hùng ngã xuống hy sinh cho độc lập dân tộc, người dân Tân Bình hôm nay không chỉ xây dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ mà còn thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cuộc sống cho người có công với cách mạng. Thông qua hình thức xã hội hóa, vận động quyên góp từ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân. Nổi bật là các hộ dân ở khu phố Tân Phước đã hiến đất, đổi đất ở khu vực ven suối Sọ. Bia tưởng niệm truyền thống suối Mạch Máng (suối Sọ) được xây dựng hoàn thành vào đúng kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra trận chống càn, với tổng kinh phí khoảng 1,4 tỷ đồng. Trước đó, khu chứng tích tội ác thực dân Pháp - Mả 35 được trùng tu, tôn tạo với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Hai công trình này mang ý nghĩa lịch sử to lớn, nhằm giáo dục lớp lớp thế hệ trẻ hiểu hơn truyền thống anh hùng của quê hương Tân Bình.
Ông Nguyễn Trần Phi Long, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết: “Với ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền lịch sử cho thế hệ trẻ, bia tưởng niệm suối Mạch Máng và Mả 35 là biểu tượng tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc để thế hệ trẻ tìm hiểu và học tập. Để phát huy truyền thống đó, Đảng ủy, UBND phường duy trì hoạt động 5 màu áo: Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Ban Chỉ huy Quân sự để tuyên truyền lịch sử, phát huy truyền thống của quê hương. Bằng những việc làm cụ thể như: Thăm, tặng quà gia đình chính sách, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, ra quân dọn dẹp vệ sinh các bia tưởng niệm… nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ”.
KIM HÀ