Bài 2: Sự chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam Sự chuẩn bị về tư tưởng
Theo quy luật chung có tính chất phổ biến đối với tất cả các Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới, Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Không có cơ sở tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin thì phong trào công nhân cũng chỉ là chủ nghĩa công liên - tự phát đấu tranh kinh tế mà thôi. Ngược lại, nếu không có cơ sở xã hội là phong trào công nhân phát triển thì chủ nghĩa Mác - Lênin không có đất để bám rễ, để biến thành hiện thực. Vấn đề đặt ra ở Việt Nam là phải đưa chủ nghĩa xã hội vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước, giác ngộ quần chúng cách mạng, dẫn dắt họ trong cuộc đấu tranh của chính bản thân họ. Đó là một yêu cầu khách quan, do chính phong trào công nhân và phong trào yêu nước đòi hỏi. Như Lênin đã từng chỉ ra: Mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản.
Tác phẩm “ Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản năm 1927.
Ảnh: Tư liệu
Chuẩn bị tiền đề tư tưởng là công việc đầu tiên và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thành lập Đảng. Nguyễn Ái Quốc đã giải thích vấn đề “cách mạng” theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đã từng bước giúp cho nhân dân ta thấy được cách mạng là sự nghiệp lớn và khó, không phải một vài người mà có thể làm nổi; muốn làm được cách mạng thì phải có sức mạnh của đông đảo quần chúng, phải có Đảng cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã đặt ra vấn đề Cách mệnh cho mọi người dân yêu nước suy ngẫm: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Và Người khẳng định trước hết phải có Đảng cách mệnh”. Để tập hợp được những người cùng chí hướng vào Đảng, để Đảng cách mệnh thống nhất cao về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, phải vũ trang cho Đảng một chủ nghĩa, nhưng theo chủ nghĩa nào cho đúng, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin từng bước thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, trở thành hệ tư tưởng dẫn đường cho hành động cách mạng của quần chúng nhân dân lao động Việt Nam.
Từ thực tiễn hoạt động cách mạng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và qua thực tế trải nghiệm của bản thân, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra có hai cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong quần chúng nhân dân lao động.
Thứ nhất, dịch và phổ biến trong nhân dân những tác phẩm kinh điển về chủ nghĩa cộng sản, đồng thời viết những tác phẩm triết học chống lại các học thuyết phi mác-xít, qua đó bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa cộng sản. Đó là cách thường sử dụng ở các nước phát triển mà tiêu biểu là cách của G.V.Plêkhanốp truyền bá chủ nghĩa Mác ở Nga. Thông qua tổ chức mác-xít đầu tiên nhằm tuyên truyền tư tưởng xã hội chủ nghĩa khoa học bằng cách dịch ra tiếng Nga những tác phẩm của Mác và Ăngghen về phê phán những học thuyết dân túy đã từng thống trị ở Nga trên quan điểm của chủ nghĩa Mác.
Thứ hai, từng bước truyền bá trong quần chúng nhân dân những tư tưởng cách mạng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, đến một trình độ nào đó mới dịch và phổ biến các tác phẩm kinh điển những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản. Đây là phương pháp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với hoàn cảnh các nước thuộc địa, trình độ dân trí thấp. Và Người đã nhận thấy đây là phương pháp thích hợp để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.
Nội dung tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin mà Nguyễn Ái Quốc truyền bá về nước chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản chủ yếu là vấn đề “Cách mệnh”, Cách mệnh là gì? Đối tượng Cách mệnh, phương pháp Cách mệnh, những vấn đề chiến lược, sách lược của Cách mệnh… vấn đề về Đảng Cách mệnh, vai trò và nhiệm vụ của Đảng Cách mệnh… Quá trình truyền bá được Nguyễn Ái Quốc thực hiện theo từng giai đoạn và có sự kế tiếp lẫn nhau. Thời kỳ đầu, lúc này Nguyễn Ái Quốc ở Paris với nội dung cơ bản là xác định kẻ thù - đối tượng trực tiếp của cách mạng Việt Nam cần đánh đổ, Người đã chỉ rõ kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và bọn địa chủ phong kiến. Việc xác định đúng và trúng kẻ thù là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xác định chiến lược và sách lược của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Điều đó quyết định những quyết sách đúng đắn trong việc sắp xếp lực lượng cách mạng ở từng giai đoạn và những bước tiếp theo. Trong thời kỳ này, Nguyễn Ái Quốc đã dùng báo chí cách mạng làm phương tiện chuyển tải. Mở đầu cho quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là bài viết Đông Dương đăng trên báo La Revue Communiste số 14 và số 15 - năm 1921. Trong bài viết đó, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều kiện thuận lợi của châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng cho việc truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa. (Còn tiếp)
Tác phẩm “Đường Kách mệnh” đề cập nhiều nội dung, trong đó Nguyễn Ái Quốc tập trung nêu rõ chuẩn mực đạo đức của những chiến sĩ cách mạng; giới thiệu tính chất, nội dung các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, như: Cách mạng Mỹ 1776, Cách mạng Pháp 1789, Cách mạng Nga 1917; giới thiệu về Quốc tế I, Quốc tế II, Quốc tế III… Thông qua những nội dung này, Người chỉ rõ tư tưởng cách mạng triệt để: Muốn sống thì phải làm cách mạng và muốn làm cách mạng thành công phải có Đảng lãnh đạo, có chủ nghĩa Mác - Lênin làm nòng cốt, phải có phương pháp cách mạng…, phải gắn cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Từ “Đường Kách mệnh”, Người khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân chứ không phải của một vài cá nhân, vì vậy đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi cho cách mạng Việt Nam… Phần cuối tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc dành giới thiệu các tổ chức quần chúng của Quốc tế Cộng sản như Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Công hội.
“Đường Kách mệnh” là một trong những tác phẩm quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối của cách mạng Việt Nam sau này. Cùng với “Đường Kách mệnh” và báo Thanh Niên, các tờ báo và nguyệt san bí mật được chuyển về Việt Nam, đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng và con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập bộ tham mưu tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động 2013)