Chia sẻ bài viết lên facebook

Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 4

Cập nhật: 12-03-2015 | 08:28:27

Bài 4: Sự chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Ái Quốc đã từng bước cung cấp cho nhân dân ta những thông tin, giúp cho nhân dân ta hiểu biết về một tổ chức quốc tế kiên quyết bênh vực quyền lợi của các dân tộc thuộc địa - đó là Quốc tế Cộng sản. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” ở chương Nô lệ thức tỉnh, Nguyễn Ái Quốc đã đưa vào những văn kiện quan trọng đối với các thuộc địa: Tuyên ngôn Ban Chấp hành Đệ tam quốc tế phần liên quan đến nhân dân các thuộc địa. Bên cạnh đó, Người đã đề xuất với Quốc tế Cộng sản sự cần thiết phải chọn lựa đảng viên ở các nước thuộc địa và đào tạo họ. Người chọn ở Việt Nam những đảng viên ưu tú gửi đi học, sau khi đã chuẩn bị những bước cần thiết, những tiền đề cơ bản về chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến phác thảo đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc, tập trung ở tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927). Đây là sự kết nối tiếp tục phát triển Bản án chế độ thực dân Pháp (năm 1925). Nếu như trong Bản án chế độ thực dân Pháp Nguyễn Ái Quốc đã bóc trần và lên án những hành động xấu xa, bỉ ổi của thực dân Pháp ở thuộc địa của chúng thì tác phẩm Đường Kách mệnh đã phác thảo đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo quan điểm mới. Nguyễn Ái Quốc đã phân tích chỉ có cách mạng vô sản là cách mạng triệt để, vì lợi ích của đại đa số nhân dân lao động. Thông qua phân tích và so sánh các cuộc cách mạng lớn trên thế giới: Cách mạng Pháp năm 1789, Cách mạng tư sản Mỹ 1776, Cách mạng Tháng Mười Nga… sau khi so sánh giữa cách mạng tư sản và cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Kách mệnh Pháp cũng như kách mệnh Mỹ, nghĩa là tư bản kách mệnh, kách mệnh không đến nơi”(1). Người chỉ ra: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công và thành công đến nơi” đồng thời Người nhấn mạnh: “Làm xong cách mạng rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người…”(2). Đảng là điểm xuất phát đồng thời là điểm khác nhau cơ bản giữa con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc với các con đường cứu nước trước đây.

Tranh đả kích do Nguyễn Ái Quốc vẽ đăng trên báo Le Paria số ra ngày 1-8-1922

Nguyễn Ái Quốc đã xác định trong tác phẩm mục tiêu và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa xã hội. Muốn xóa bỏ chế độ bóc lột, muốn có tự do, hạnh phúc, bình đẳng thật sự thì phải trải qua hai cuộc cách mạng: Cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai cuộc cách mạng có quan hệ mật thiết với nhau. Bên cạnh đó, Nguyễn Ái Quốc còn xác định lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng. Người đã phân tích đến mức gần như chi tiết những vấn đề liên quan: “Công nông là gốc cách mạng”, “còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông, ba hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”(3). Rõ ràng đây là một nhận định hết sức sáng suốt, một chủ trương đúng đắn, không phải người mác-xít nào cũng có quan niệm rõ ràng như vậy. Xuất phát từ nhận thức việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại là công việc “to tát”, cho nên phải “dùng hết sức”, “phải quyết tâm làm thì chắc được, thà chết tự do còn hơn sống làm nô lệ”. Tiếp theo tư tưởng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đề ra năm 1924 trong báo cáo về “Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, trong Đường Kách mệnh Nguyễn Ái Quốc đã phát triển thêm: Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi. Quan điểm về phương pháp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc thể hiện cách mạng bạo lực rất rõ ràng. Phải có sách lược, chiến lược, lúc nào nên làm, lúc nào chưa nên làm, như vậy cách mạng mới đi tới thắng lợi.

Nguyễn Ái Quốc còn chỉ rõ đi đôi với đoàn kết dân tộc chính là đoàn kết quốc tế. Cách mạng An Nam cũng là bộ phận của cách mạng thế giới, mọi người làm cách mạng trên thế giới đều là bạn của nhân dân An Nam cả. Tuy nhiên để phát huy cao độ yếu tố ngoại lực “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã…”. Mặt khác, Người cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Đảng cách mạng. Ngay từ khi tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nắm vững quy luật Đảng có mạnh thì cách mạng mới thành công, Đảng vững là nhờ có chủ nghĩa, trong Đảng ai cũng hiểu, ai cũng theo chủ nghĩa ấy. Về rèn luyện chính trị cho cán bộ, cho Đảng, Người đã đưa ra 29 điều về “tư cách một người cách mệnh”, trong đó nhấn mạnh “phải giữ chủ nghĩa cho vững/hy sinh/ít lòng ham muốn về vật chất”.

Đối với tiền đề về chính trị, những tư tưởng cơ bản trong con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với thực tiễn đặc điểm của cách mạng Việt Nam. Đây là nền móng cơ bản đặt cơ sở cho sự hình thành một cương lĩnh chính trị đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. (Còn tiếp)

Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỷ XX rất phong phú về lý luận và hình thức vận động tổ chức phong trào đấu tranh cách mạng. Do Nguyễn Ái Quốc tích cực vận động và tổ chức, năm 1921, Hội Liên hiệp thuộc địa được thành lập ở Pháp. Tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của hội phát hành số đầu tiên ngày 1-4-1922. Hội Liên hiệp thuộc địa, tổ chức tiêu biểu cho tình đoàn kết và ý chí đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân.

Báo Le Paria đã góp phần thực hiện sứ mạng vẻ vang - giải phóng con người. Tờ báo đã tố cáo những thủ đoạn áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân đế quốc đối với nhân dân các nước thuộc địa, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền thức tỉnh các dân tộc bị áp bức vùng dậy đấu tranh tự giải phóng. Nguyễn Ái Quốc là linh hồn và cây bút chủ lực của tờ Le Paria. Báo Le Paria tồn tại tròn 4 năm (từ tháng 4-1922 đến tháng 4-1926) xuất bản và phát hành 38 số.

Nguyễn Ái Quốc đã viết rất thường xuyên tin, bài đăng trên báo Le Paria. Theo số liệu thu thập được, ngoài hàng loạt tin, bài không ký tên, đến nay đã xác minh chắc chắn có 38 bài trên 35 số (3 số đến nay vẫn chưa tìm kiếm được). Cụ thể, năm 1922: 10 bài; 1923: 15 bài; 1924: 9 bài; 1925: 4 bài. Ngoài ra, còn xác định được 5 bức tranh là của Nguyễn Ái Quốc. Hai bức ký tên bằng chữ Hán là “Văn minh bề trên” (Civilisation superieure) đăng trên số 2 và “Hội nghị Angiê” (La Conférance D’Angier) trên số 12. Một bức ký tên NG.A.Q. nhan đề “Triển lãm thuộc địa” (Exposition coloniale) đăng trên số 2 và một bức khác ký tên Nguyễn A.Q nhan đề “Mau lên! Du hành!” (Mau lên! Incoglito!...) số 5. Bức thứ năm ký tên Nguyễn nhan đề “Sự phục thù của Tu-tăng Ca-mông” (Représailles de Toutan Kamon) đăng trên số 13.

 

 (1): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000, tập 2, tr.274

(2): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000, tập 2, tr.280

(3): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2000, tập 2, tr.266

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3044
Quay lên trên