Quốc hội khóa X (1997-2002): Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cập nhật: 19-03-2016 | 08:58:31

Quốc hội (QH) khóa X là QH của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. QH khóa X có trọng trách tiếp tục thể chế hóa cương lĩnh và chiến lược của Ðảng; cụ thể hóa đường lối, chính sách mà Ðại hội Ðảng lần thứ VIII và lần thứ IX đề ra.

 Ngày bầu cử QH khóa X là ngày 20-7-1997; tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 99,59% (43.493.661 người); tổng số đại biểu được bầu là 450; thành phần đại biểu QH: Công nhân, nông dân, trí thức (36), lực lượng vũ trang nhân dân (55), Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhân sĩ, tôn giáo (91), đồng bào dân tộc thiểu số (78), phụ nữ (118), trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, pháp luật, văn hóa, giáo dục, y tế... (105), đảng viên (382), ngoài Ðảng (68), cán bộ ở Trung ương (134), cán bộ ở địa phương (316).

QH khóa X đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La tại kỳ họp thứ 9, tháng 6-2001. Ảnh: TƯ LIỆU

Kỳ họp thứ nhất, họp từ ngày 18 đến 29-9-1997 tại Hà Nội, QH đã bầu: Chủ tịch nước: Trần Ðức Lương; Phó Chủ tịch nước: Nguyễn Thị Bình; Ủy ban Thường vụ QH gồm 14 thành viên; Chủ tịch QH: Nông Ðức Mạnh; (Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, được QH bầu ngày 27-6-2001 tại kỳ họp thứ 9 QH khóa X); Thủ tướng Chính phủ: Phan Văn Khải; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: Trịnh Hồng Dương; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao: Hà Mạnh Trí. QH cũng đã bầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế và Ngân sách; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Ðối ngoại.

Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được của QH các khóa trước, QH khóa X đã tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII và lần thứ IX của Đảng về đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nhiệm kỳ 5 năm (1997-2002), qua 11 kỳ họp và 50 phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, QH khóa X đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập pháp; đẩy mạnh công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tính dân chủ trong hoạt động ngày càng được phát huy.

QH khóa X tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức của QH và đổi mới hoạt động lập pháp: Phân định phạm vi thẩm quyền lập pháp của QH, lập và quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đổi mới thủ tục, trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII và Đại hội lần thứ IX của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về hoạt động lập pháp, QH đã ban hành 1 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành 39 pháp lệnh… Tại kỳ họp thứ 10, tháng 11-2001, QH đã ban hành Nghị quyết số 51/ QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa QH và Ủy ban Thường vụ QH đã ưu tiên cho việc xây dựng và ban hành các luật, pháp lệnh về lĩnh vực kinh tế; trong đó chú trọng các vấn đề về doanh nghiệp, chính sách đầu tư, tín dụng, ngân hàng, tiếp tục cải cách chính sách thuế, chống tham những, lãng phí, hội nhập khu vực và thế giới… như: Luật Doanh nghiệp, Luật Hải quan, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… Các văn bản pháp luật này đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

QH khóa X ngày càng chú trọng và chủ động trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước: Quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan Nhà nước do QH bầu hoặc phê chuẩn các vấn đề bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, QH đã xem xét kết quả thực hiện nghị quyết về kế hoạch 5 năm (1996-2000) và thông qua nghị quyết kế hoạch 5 năm tiếp theo (2001-2005); thông qua nghị quyết về tiêu chuẩn các công trình trọng điểm quốc gia trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. (Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án khí - điện - đạm ở Bà Rịa - Vũng Tàu và dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất); quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La…

QH khóa X đã thực hiện hình thức giám sát đi sâu khảo sát theo chuyên đề; kết hợp giữa việc giám sát tại kỳ họp với các hoạt động giám sát trong thời gian giữa hai kỳ họp QH; giữa việc nghe báo cáo với việc cử đoàn đi địa phương, cơ sở làm việc với các bộ, ngành, tổng công ty, nên hiệu quả hoạt động giám sát từng bước được nâng lên. QH đã tập trung giám sát việc thị hành hiến pháp, pháp luật, hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về kinh tế, ngân sách, dân tộc, miền núi, giải quyết khiếu nại, tố cáo; vấn đề giao lưu kinh tế qua biên giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA)…

Trong nhiệm kỳ này, hoạt động đối ngoại của QH đã được triển khai chủ động trên nhiều địa bàn, với nhiều chủ thể khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương như: Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hiệp hội các Nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP), Liên minh Nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (APF), diễn đàn Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn Nghị sĩ châu Á về dân số và phát triển (AFPDD)…

QH khóa X đã đóng góp vào thành tựu của công cuộc đổi mới, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Các hiệp định, hiệp ước, công ước quốc tế đã phê chuẩn

Nghị quyết số 36/2000/QH10 về việc phê chuẩn “Hiệp ước biên giới đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (thông qua ngày 9-6-2000); Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại (ban hành ngày 4-12-2001)

 

P.V (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=850
Quay lên trên