Từ ngày 1-11-2017, Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu (gọi tắt là Nghị định 105/2017/NĐ-CP) có hiệu lực. Trong đó, vấn đề được nhiều người quan tâm là việc sản xuất, kinh doanh rượu phải được cấp phép và cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi…
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại một công ty sản xuất rượu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.NHIÊN
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tại thị trường Bình Dương, bia rượu được bày bán nhiều nơi. Thay vì đến cửa hàng chuyên kinh doanh rượu để mua, nhiều người thường tìm đến các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ để mua rượu, thậm chí có người tự nấu rượu để sử dụng nhằm tiết kiệm chi phí. Tại những nơi này, việc kiểm soát độ tuổi của khách mua rượu, nồng độ cồn trong rượu hầu như còn bỏ ngõ.
Anh Lê Minh Thành, ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về việc cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Người chưa đủ 18 tuổi chưa hoàn thiện về thể chất và tinh thần, khả năng nhận thức và làm chủ hành vi còn nhiều hạn chế, nếu cho phép nhóm đối tượng này sử dụng rượu là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người đang quan tâm là việc thực hiện quy định này có hiệu quả hay không, bởi vẫn có không ít người trẻ dưới 18 tuổi đi mua rượu với danh nghĩa “mua hộ”. Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để xác minh được độ tuổi của người mua rượu.
Một chủ quán tạp hóa có bán rượu trên đường 30-4, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, nói: “Nếu yêu cầu phải làm cam kết không bán rượu cho trẻ vị thành niên thì chúng tôi sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, để xác định ai là vị thành niên, ai là người lớn thì chúng tôi không thể cam kết nhận biết chính xác được. Ngay việc đi hỏi tên tuổi của khách hàng cũng chẳng khác nào “đuổi” họ khỏi quán mình”.
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không phải đề cập lần đầu tiên trong Nghị định 105/2017/NĐ-CP, mà nó được kế thừa, phát triển từ Nghị định 40/2008/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu và cồn rượu. Hiện nay, việc quản lý cũng như xử lý những trường hợp vi phạm của ngành cũng gặp không ít khó khăn, do cán bộ quản lý thị trường còn mỏng, người dân chưa thực sự ý thức được tác hại của việc sử dụng rượu, bia. Chính vì thế, để quy định này thực sự đi vào cuộc sống thì cần được thực hiện đồng bộ, thông qua các biện pháp như tuyên truyền, đặt các biển báo… nhằm nâng cao nhận thức của người kinh doanh rượu và của cả cộng đồng.
Ông Đinh Thiên Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, cho biết quy định nói trên hoàn toàn có thể thực hiện hiệu quả nếu có sự giám sát chặt chẽ và chế tài đủ mạnh.
Nghị định 105/2017/NĐ-CP cũng quy định: Bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động là vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại nghị định này. Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại; rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem. Muốn sản xuất rượu công nghiệp phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; có dây chuyền máy móc, thiết bị đúng theo quy mô; bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo quy định; có cán bộ có chuyên môn phù hợp với ngành nghề…
QUỲNH NHIÊN