Ngày 15-6-2015, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 06/2015/ TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng, theo đó thông tư quy định về: Thủ tục đề nghị bổ nhiệm công chứng viên, đăng ký hành nghề, cấp Thẻ công chứng viên; đào tạo nghề công chứng, khóa bồi dưỡng nghề công chứng, bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm; tổ chức và hoạt động công chứng; một số mẫu giấy tờ trong hoạt động công chứng.
Để được miễn đào tạo nghề công chứng thì người được miễn đào tạo phải có một trong các loại giấy tờ chứng minh như: Quyết định bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên hoặc Giấy chứng minh thẩm phán, Giấy chứng minh kiểm sát viên, Giấy chứng nhận điều tra viên kèm theo giấy tờ chứng minh đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên; Quyết định phong hàm Giáo sư, Phó giáo sư chuyên ngành luật; Bằng tiến sĩ luật; Quyết định bổ nhiệm thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; Giấy xác nhận của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư về thời gian hành nghề luật sư; Các giấy tờ khác chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, công chứng viên đang hành nghề phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm tối thiểu 3 ngày làm việc, tương đương 24 giờ/ năm. Các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm do Học viện Tư pháp; Hội công chứng viên hoặc Sở Tư pháp (trường hợp địa phương chưa lập Hội công chứng viên) tổ chức thực hiện nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật về công chứng và các quy định pháp luật khác có liên quan; bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hành nghề và cách thức giải quyết các vướng mắc trong quá trình hành nghề công chứng. Công chứng viên vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều lệ của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam.
Ngoài ra, công chứng viên của phòng công chứng đã nghỉ hưu hoặc thôi việc theo nguyện vọng không quá 1 năm vẫn được giữ chức danh công chứng viên và có thể tham gia thành lập văn phòng công chứng hoặc hành nghề tại văn phòng công chứng đang hoạt động. Trong đó, thời hạn không quá 1 năm được tính từ ngày có quyết định nghỉ hưu hoặc cho thôi việc đến ngày văn phòng công chứng nộp hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho công chứng viên đó theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2015.