Rừng phòng hộ núi Cậu: Vào mùa chống cháy

Cập nhật: 05-02-2018 | 08:28:16

Phòng chống cháy rừng trong mùa khô luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương trong tỉnh. Tại huyện Dầu Tiếng, để bảo đảm an toàn cho các khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn, công tác phòng chống cháy đang được các cấp, các ngành trong huyện tập trung cao độ.

 Là một trong những điểm rừng chiến lược của tỉnh, rừng phòng hộ núi Cậu, huyện Dầu Tiếng có diện tích hơn 3.625 ha, đóng vai trò quan trọng, đảm trách nhiệm vụ chống xói mòn cho lòng hồ Dầu Tiếng để bảo vệ nguồn nước cung cấp nước cho người dân trong khu vực; đồng thời được xem là lá phổi xanh điều hòa khí hậu cho cả khu vực. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng còn có rừng phòng hộ ở xã Minh Hòa với diện tích hơn 2.114 ha; rừng lịch sử Kiến An, xã An Lập diện tích trên 245 ha. Do đó, vấn đề bảo vệ, phòng chống cháy rừng luôn là yêu cầu cấp thiết, nhất là trong mùa khô.

 Rừng phòng hộ núi Cậu đang được bảo vệ tốt trong mùa khô. Ảnh: HỒNG NGA

Thời điểm này, tuy có những trận mưa trái mùa nhưng tình hình hanh khô vẫn chủ đạo khiến hàng ngàn ha rừng phòng hộ núi Cậu và rừng Kiến An luôn đặt trong tình trạng cảnh báo cháy cao. Tại đây, phần lớn cây rừng đang bị úa vàng, rụng lá, tạo nên thực bì khô rám dày đặc rất dễ gây hỏa hoạn. Điều đáng nói, dịp lễ hội rằm tháng giêng khu vực núi Cậu sẽ có hàng ngàn du khách thập phương hành hương đến viếng chùa Thái Sơn núi Cậu. Do đó, chỉ cần sơ xuất nhỏ khi đốt nhang đèn hoặc vứt tàn thuốc bừa bãi cũng sẽ gây nên hậu quả khó lường.

Để chủ động trong phòng chống cháy rừng, với phương châm phòng là chính, UBND huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác phòng chống cháy rừng; lập bản cam kết bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng đối với các hộ dân sống ven rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng và Khu di tích rừng lịch sử Kiến An. Bên cạnh đó, UBND huyện yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương duy tu sửa chữa các biển báo, biển quy ước bảo vệ rừng, phát dọn các tuyến đường băng cản lửa (băng trắng) và các tuyến đường tuần tra rừng khu vực rừng Kiến An, cắm các biển ghi số điện thoại của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện và cơ quan chức năng ở các khu rừng để người dân liên hệ khi xảy ra cháy rừng; cùng với đó tổ chức lực lượng kiểm lâm phối hợp cùng các lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu, lực lượng dân quân, công an các xã Định Thành, Minh Hòa và An Lập thường xuyên tuần tra, kiểm tra, có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu cho biết, đến thời điểm này công tác chuẩn bị về lực lượng và nhân lực để phòng chống cháy rừng đã được đơn vị chuẩn bị chu đáo. Ban Quản lý đã tổ chức trực 24/24 giờ và tổ chức các tổ trạm đi tuần tra, kiểm soát, kết hợp với chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm và các hộ dân nhận khoán diện tích rừng để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng.

Theo các chuyên gia, làm tốt công tác giữ gìn, bảo vệ rừng sẽ góp phần vào mục tiêu cân bằng môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống của mọi người một cách hiệu quả nhất. Dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì hỏa hoạn cháy rừng xảy ra luôn gây thiệt hại lớn, rất khó phục hồi. Do đó, vấn đề tiên quyết đối với các cấp, các ngành, địa phương vẫn là cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phòng chống cháy mọi lúc mọi nơi nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy rừng.

 HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=486
Quay lên trên