Năm 2024, Bình Dương phấn đấu thu hút 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ưu tiên thu hút các dự án ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao. Trong đó, chú trọng đối tác giàu tiềm năng như Nhật Bản, Singapore, châu Âu... để hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tận dụng khả năng lan tỏa tới ngành công nghiệp nội địa.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH R-PAC Việt Nam
Kỳ vọng dòng vốn xanh
Khoảng 2 năm trở lại đây một số quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Sĩ đang có chiều hướng đầu tư mạnh vào tỉnh. Rõ ràng, đây là tín hiệu cho thấy dòng vốn FDI chất lượng cao từ châu Âu đang ngày càng chảy mạnh vào Bình Dương và sẽ còn nhiều triển vọng hơn nữa trong thời gian tới.
Vào tháng 6-2023, Tập đoàn Cicor (Thụy Sĩ) đã khánh thành Nhà máy Cicor Việt Nam thứ 4 tại Bình Dương. Cicor là một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử phát triển nhanh nhất tại châu Âu, chuyên sâu vào công nghệ cao. Ông Nguyễn Trọng Luật, Tổng Giám đốc Cicor Việt Nam, chia sẻ Circo có mặt tại Bình Dương đã 24 năm. Công ty vừa xây dựng nhà máy thứ 4 tại Bình Dương với diện tích 12.000m2. Việc đầu tư nhà máy thứ 4 không chỉ tăng gấp đôi khả năng sản xuất của tập đoàn tại Việt Nam, mà còn phát triển thêm khả năng kỹ thuật. “Thời gian qua, chúng tôi chuyển giao công nghệ từ Thụy Sĩ sang Việt Nam. Khách hàng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về sản phẩm nên chúng tôi cũng bắt buộc phải tập trung cải thiện, đưa công nghệ hiện đại vào phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Đến nay, Nhà máy Cicor Việt Nam đã được đầu tư ngang tầm các nhà máy sản xuất tại Thụy Sĩ, Đức và Hoa Kỳ”, ông Nguyễn Trọng Luật cho biết.
Mặc dù thu hút vốn FDI có dấu hiệu chững lại, nhưng trong năm 2023, vẫn có những chỉ số tích cực là trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, nổi lên các nhà đầu tư rót thêm vốn, mua cổ phần như Hà Lan, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ… tăng mạnh. Dòng vốn đầu tư vào tỉnh đều đang chuyển dần theo hướng thông minh, hiện đại phù hợp với chiến lược của tỉnh.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vừa qua, Tiến sĩ Peter Reimer, Quản lý cấp cao mảng y tế của Tập đoàn Heraeus, cho biết Heraeus đang có xu hướng mở rộng đầu tư sang Việt Nam và Bình Dương là điểm đến ấn tượng. Tập đoàn Heraeus có trụ sở chính tại Cộng hòa Liên bang Đức đã có mặt trên thị trường toàn cầu từ rất lâu đời. Tập đoàn chuyên nghiên cứu, sản xuất các thiết bị vi điện tử, cơ khí siêu chính xác để cung cấp cho lĩnh vực y tế, phẫu thuật, chỉnh hình.
Tiến sĩ Peter Reimer đánh giá cao tiềm năng, môi trường đầu tư của tỉnh và mong muốn sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn nhằm thúc đẩy đầu tư, hợp tác hiệu quả, lâu dài. Thời gian tới, tập đoàn sẽ đến làm việc và khảo sát một số khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Bình Dương trong lĩnh vực công nghệ cao. Đồng thời, tập đoàn cũng quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực chất lượng, có chuyên môn kỹ thuật cao để phục vụ hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp.
Phát triển gắn với bảo vệ môi trường
Bình Dương đã và đang tiếp tục chuyển hướng thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao và thân thiện môi trường. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với nền sản xuất mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Sau dự án “xanh” từ Lego, nhiều nhà đầu tư cũng có những cam kết “xanh” khi tìm hiểu đầu tư vào Bình Dương. Đơn cử như Tập đoàn Pandora (Đan Mạch), SEP (Hàn Quốc), A.P Moller Maersk (Đan Mạch), Far Far Eastern… đều cam kết giảm thiểu các tác động đến môi trường, sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu xanh trong vận hành, hướng đến phát triển bền vững, tạo các giá trị cho cộng đồng. Cùng với đó, để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác, các tập đoàn lớn, có thương hiệu trên toàn cầu như Warburg Pincus, Sembcorp, Tokyu, CapitaLand Development, Aeon… đều cam kết sẽ đưa hàm lượng công nghệ cao vào các dự án đầu tư tại Bình Dương. Đây cũng chính là lĩnh vực mà Bình Dương mong muốn thu hút đầu tư trong thời đại 4.0.
Phát biểu tại hội thảo Net Zero với chủ đề: “Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững”, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh với vai trò trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững.
Để thích nghi với những biến động, biến số khó lường, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới - Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, đưa nền công nghiệp Bình Dương lên phân khúc cao hơn.
NGỌC THANH