Sáng tạo, đột phá, xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, giàu đẹp và văn minh

Cập nhật: 14-10-2020 | 08:49:12

Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Hôm nay (14-10), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, là ngày hội lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tin tưởng và kỳ vọng vào những định hướng, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả của đại hội sẽ tạo ra những đột phá cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong nhiệm kỳ mới. Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã dành cho phóng viên Báo Bình Dương cuộc phỏng vấn xung quanh kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.

- Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020, toàn hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện. Xin đồng chí đánh giá tổng quát kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trên từng lĩnh vực trong nhiệm kỳ qua?

- Đảng bộ tỉnh bước vào nhiệm kỳ 2015-2020 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động đến kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Bên cạnh đó, quá trình phát triển của tỉnh tiếp tục đặt ra nhiều thách thức mới, trong đó có những vấn đề bức xúc cần phải tập trung giải quyết. Khó khăn, thách thức là rất lớn, tuy nhiên, tỉnh có được nhiều thuận lợi cơ bản từ việc kế thừa những thành quả đạt được của nhiệm kỳ trước, cùng với đó là tinh thần đoàn kết, thống nhất cao từ tỉnh đến cơ sở, trước hết là trong tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn Đảng bộ khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế; tranh thủ thời cơ, thuận lợi; xây dựng ngay các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, bảo đảm nghị quyết được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết đại hội, Bình Dương đã đạt được những thành tựu rất phấn khởi.

Thứ nhất, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức cao, với tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 9,35%/năm. Quy mô và khả năng cạnh tranh kinh tế của tỉnh tiếp tục được nâng lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các thành phần kinh tế đều phát triển tốt. Thứ hai, cơ sở hạ tầng của tỉnh được tập trung đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông có những công trình, dự án đã được đầu tư đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Thứ ba, thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết cả về số thu và tốc độ tăng, với mức tăng bình quân hàng năm 11,2%; ước năm 2020 tổng thu ngân sách là 62.200 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015. Thứ tư, thu hút đầu tư tạo được chuyển biến lớn; trong đó thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 12 tỷ đô la Mỹ, vượt trên 5 tỷ đô la Mỹ so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra, nâng tổng số vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh trên 35 tỷ đô la Mỹ (đứng thứ ba cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài). Thứ năm, mặc dù trong tình hình khó khăn chung cùng với áp lực lớn về tăng dân số cơ học, nhưng tỉnh luôn quan tâm và thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, các chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện và nâng lên. Đặc biệt, từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của Trung ương; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn dưới 1%. Thứ sáu, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định. Công tác đối ngoại đạt được những kết quả rất quan trọng, đặc biệt là trong việc hợp tác đầu tư và xây dựng thành phố thông minh, với nhiều kết quả nổi bật, như: Bình Dương chính thức gia nhập vào Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF); liên tục 2 năm liền được vinh danh là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới; được chọn là nơi đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis trong 2 năm 2018-2019; trở thành thành viên của Hiệp hội các Trung tâm Thương mại thế giới… Thứ bảy, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả, tạo được những chuyển biến tích cực, nổi bật là việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; việc phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh… Thứ tám, sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố.

Có thể nói, những kết quả đạt được trong 5 năm qua đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng và tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, so với mong muốn ngày càng cao của chúng ta thì kết quả đó vẫn còn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Đây là những vấn đề mà trong nhiệm kỳ tới tỉnh sẽ tiếp tục phấn đấu để thực hiện ngày càng tốt hơn.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu chúc mừng sự kiện hợp tác chiến lược phát triển Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

- Thưa đồng chí, nhìn lại chặng đường hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã có những bước tiến dài, đặc biệt là trong 5 năm của nhiệm kỳ 2015-2020. Từ thực tế đó, Đảng bộ tỉnh đã đúc kết những kinh nghiệm gì để tiếp tục lãnh đạo phát triển địa phương trong thời gian tới?

- Nhìn tổng thể, Bình Dương hôm nay đã có những bước phát triển nhanh và khá vững chắc, đó là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ qua nhiều nhiệm kỳ. Đạt được những thành quả to lớn này trước hết là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành bạn; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận cao trong xã hội; là sự lãnh đạo sáng suốt, toàn diện, trọng tâm, đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của Tỉnh ủy Bình Dương qua các thời kỳ; là ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên, với tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, phấn đấu liên tục của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sau 5 năm lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, có thể rút ra một số kinh nghiệm đó là: Thứ nhất, phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Thường xuyên gìn giữ, vun đắp và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Kế thừa và phát huy tốt nhất những thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu đề ra. Đặc biệt, phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, tận tụy phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển. Thứ hai, phải xác định chính xác các đột phá chiến lược trong cả nhiệm kỳ và trong từng thời kỳ, trong đó phát triển hạ tầng là trọng tâm, là bước đột phá để phát triển, đặc biệt là hạ tầng về giao thông. Chú trọng phát huy tối đa những lợi thế so sánh của địa phương, đi đôi với việc tranh thủ, huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Thứ ba, luôn bảo đảm phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, trong đó chú trọng phát triển bền vững, xây dựng thành phố thông minh, xanh, thịnh vượng. Phát triển luôn hướng đến mục tiêu vì con người, chú trọng lợi ích của nhân dân bằng cách giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, mọi người dân Bình Dương đều được hưởng thụ một cách tốt nhất, đầy đủ nhất từ những thành quả của sự phát triển kinh tế. Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện để giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế- xã hội phát triển.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ ngày 13 đến 15-10 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh. Ảnh: QUỐC CHIẾN

- Thưa đồng chí, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứXI là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, được kỳ vọng mở ra chặng đường phát triển mới của địa phương. Xin đồng chícho biết những nhiệm vụ chính của đại hội, cũng như mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụtrọng tâm của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025?

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là dịp để chúng ta đánh giá tổng kết lại những thành tựu đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Qua đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để Bình Dương phát triển nhanh và bền vững hơn trong nhiệm kỳ tới.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X đã nghiên cứu, xây dựng Báo cáo chính trị để trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong đó xác định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại; đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”.

Đồng thời, đề ra các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện như: Phấn đấu GRDP tăng bình quân 8,5 - 8,7%/năm; thu ngân sách tăng 8%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%; GRDP bình quân đầu người đạt 210 - 215 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33 - 34% GRDP; thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ đô la Mỹ…

Căn cứ vào 3 đột phá chiến lược trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng và mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới, Tỉnh ủy xác định 4 chương trình đột phá, đó là: Tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương; tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên.

- Để thực hiện hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển của nhiệm kỳ tới, xin đồng chícho biết tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?

- Báo cáo chính trị đã đề ra 24 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025; khái quát thành 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp dựa trên đổi mới thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao tương xứng với phát triển công nghiệp và đô thị; tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Hai là, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo nên những động lực mới, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, đồng thời huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để mở rộng kết nối vùng, khu vực, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nghiên cứu và chủ động đề xuất với Trung ương triển khai đầu tư tuyến đường sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách; huy động các nguồn lực từng bước phát triển hệ thống giao thông đường thủy, gắn với hạ tầng logistics…

Bốn là, quan tâm và chú trọng đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là về giáo dục, y tế, việc làm, nhà ở, các thiết chế văn hóa phục vụ cho người dân và công nhân lao động. Song song đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị.

Năm là, thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh và quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế. Tăng cường công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chủ động ngăn chặn từ xa, từ sớm và xử lý kịp thời những yếu tố có nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Sáu là, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư, xuất, nhập khẩu và phát triển thành phố thông minh Bình Dương.

Bảy là, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Tám là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng công tác dân vận của hệ thống chính trị, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Dương ý thức được rằng, những thành quả đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, nhưng mới là bước đầu trong tiến trình phát triển, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh phải tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và đột phá hơn nữa để xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, hiện đại, giàu đẹp và văn minh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRÍ DŨNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=711
Quay lên trên