Sau loạt bài “Địa ngục trần gian bên bờ thơ mộng?”: Thêm nhiều nhân chứng kể tội chủ cơ sở gỗ

Cập nhật: 22-06-2013 | 00:00:00

> Sau loạt bài “Địa ngục trần gian bên bờ hồ thơ mộng?”: Người dân tiếp tục “tố” chủ cơ sở gỗ

> Bài 1: Xin việc làm… rồi bị “nhốt”?

> Bài 2: Cái chết tức tưởi của một lao động nghèo

> Bài cuối: Người trong cuộc nói gì?

Hôm qua (21-6), hai công nhân từng làm việc tại ở cơ sở gỗ của ông Trần Tấn Phong, xã Thanh An (Dầu Tiếng) đã đến Báo Bình Dương kể tội ông chủ cũ của mình. Đó là anh Châu Li Na (28 tuổi) và chị Lưu Thị Đẹp (31 tuổi), cùng ngụ xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Từ trái qua phải: Anh Lý Vũ Phong, ông Bùi Văn Tỵ, chị Lưu Thị Đẹp, anh Châu Li Na

Cần làm rõ trách nhiệm về cái chết của công nhân Rót

Cho đến hôm nay, chị Lưu Thị Đẹp vẫn còn ám ảnh bởi cái chết thảm của đứa em đồng nghiệp Bồ Sơn Rót. Chị kể, hôm đó, trưa 26-5, chị biết Bồ Sơn Rót và Vũ Minh Đương có ý định bỏ trốn nên đến can ngăn và nói: “Đừng có đi nghe không”. Tuy nhiên, sau khi ăn cơm xong, Rót và Đương vẫn thực hiện ý định bỏ trốn vì sự khắc nghiệt trong cuộc sống và môi trường lao động. “Tôi nhìn thấy hai em bơi, liền kêu cháu Luân - con anh Lý Vũ Phong, chạy vào báo ông Trần Tấn Phong. Khi nhìn thấy em Rót có dấu hiệu gần chìm, tụi tôi xót lắm nhưng ông chủ thì chỉ điện thoại ai đó, bên kia báo là có hai công nhân bỏ trốn và bảo họ đánh cho tụi nó vài gậy rồi cho đi luôn. Tôi nghĩ, công an cần làm rõ trách nhiệm về cái chết của đứa em đồng nghiệp của tôi”, chị Đẹp nói.

Chị Đẹp nhớ lại: “Năm 2011, tôi bắt đầu lên làm việc cho cơ sở cưa xẻ gỗ của ông Trần Tấn Phong thông qua một người chạy xe ôm tên Hải giới thiệu. Thấy tôi lang thang ở Bến xe miền Tây, ông Hải bảo tôi có đi giúp việc nhà không, lương tháng 2,5 triệu đồng. Tôi đồng ý. Sau đó, ông Bùi Văn Tỵ chở tôi xuống và lấy của ông chủ Phong 700.000 đồng coi như trả chi phí giới thiệu và tiền xe. Công việc ban đầu như thỏa thuận, tôi bắt tay vào làm việc nhà, nhưng khi làm xong việc nhà, ông Phong còn bắt tôi đi róc vỏ cây. Tôi hỏi, khi vào làm theo thỏa thuận chỉ làm việc nhà sao lại bắt róc vỏ cây? Ông Phong bảo luật ở đây là vậy. Trong quá trình làm việc, ông cứ chửi mắng tụi tôi hoài. Những ngày lao động tại cơ sở của ông Phong là những ngày tụi tôi chịu đựng khổ cực, ăn uống vô cùng khắc khổ. Buổi sáng phải làm việc từ 5 giờ sáng đến 12 giờ, trưa nghỉ một tiếng đồng hồ, sau đó làm tiếp từ 13 giờ đến 17 giờ chiều. Tháng đầu ông ta trả 2 triệu đồng, tôi mừng lắm và làm tiếp, nhưng qua năm thứ 2 (năm 2012) tôi làm cả năm mà ông chỉ trả 5 triệu đồng tiền lương. Còn lại, ông ta giữ để ép tôi phải trở lại làm việc năm sau. Tôi có thắc mắc hỏi vợ ông ta thì bà chủ bảo: “Trả đủ sợ chúng mày trốn”. Định không làm nữa nhưng ông ta gọi điện hứa trả tiền, cho tiền tiêu xài, tôi quay lại làm nhưng hơn 2 tháng làm việc ông ấy không trả đồng nào. Hiện nay, ông Trần Tấn Phong còn nợ của hai vợ chồng tôi hơn 2 tháng lương nữa”.

Theo lời của chị Đẹp và chồng là anh Châu Li Na, trong thời gian làm việc gần một năm qua, họ đã chứng kiến nhiều người trốn bị bắt lại và bị đánh. Khoảng giữa năm 2012 có một người tên Long, quê Trà Vinh bị ông chủ nhốt 24/24 giờ. Vì muốn đi vệ sinh nên anh Long phá mái tôn ra và ngồi tại mái tôn vệ sinh. Sáng hôm sau, ông chủ Phong biết sự việc đã đá vào người anh Long và bắt anh Long đền 4 triệu đồng, rồi trừ số tiền này vào tiền lương. Anh Long sợ nên nửa đêm trốn thoát, bỏ lại tiền lương chưa nhận của mình. Một lần khác, bà Nguyễn Thị Bích Nga mới làm việc 3 ngày đã bỏ đi biền biệt. Ban đầu, bà Nga nhận việc chỉ quét nhà nấu cơm, nhưng khi ông chủ Phong bắt làm việc khác chị không đồng ý liền bị ông chủ Phong nắm đầu rồi bạt tai.

Anh Châu Li Na cho biết, anh bắt đầu làm việc năm 2011. Cứ mỗi lần có công nhân trốn, ông chủ Phong bắt anh cùng một số công nhân khác tìm kiếm. Nếu tìm không được thì bị trừ 500.000 đồng vào lương. Có lần bắt gặp một công nhân bỏ trốn, người này cũng năn nỉ anh, xin anh đừng bắt lại; cùng làm mướn, cùng cảnh khổ nên anh rất hiểu, nhưng sợ bị trừ tiền lương nên anh đành bắt công nhân này lại theo sự chỉ đạo của ông chủ Phong.

Người dân giúp đỡ gia đình anh Lý Vũ Phong

Gặp người từng chở lao động đến cơ sở ông Phong

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, cũng như những nghi vấn có hay không đường dây buôn bán lao động, hôm qua (21-6), chúng tôi đã tìm gặp ông Bùi Văn Tỵ (48 tuổi, ngụ P.13, Q.6, TP.HCM), chạy xe ôm tại Bến xe miền Tây. Ông Tỵ là người trực tiếp đưa vợ chồng anh Lý Vũ Phong và vợ chồng chị Lưu Thị Đẹp từ Bến xe miền Tây về cơ sở ông Phong. Ông Tỵ cho biết, sau khi chở vợ chồng anh Lý Vũ Phong về cơ sở gỗ của ông Trần Tấn Phong ông nhận được 700.000 đồng, trong khi đó, ông Trần Tấn Phong lại ghi vào sổ vợ chồng anh Lý Vũ Phong nợ 1 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trừ vào lương, tương đương 10 ngày công. Ông Tỵ nói: “Số tiền 700.000 đồng nói trên thật ra tôi chỉ được nhận 350.000 đồng, số còn lại tôi trả cho cơ sở giới thiệu việc làm bên ngoài Bến xe miền Tây - nơi có kết nối thân thiết với ông Trần Tấn Phong”.

Ông Tỵ cho biết, mấy cơ sở giới thiệu việc làm bên ngoài Bến xe miền Tây giới thiệu người lao động đến làm việc một số nơi, nhưng chỉ có chỗ ông Trần Tấn Phong là hà khắc nhất. Tôi mới ở tù hoàn lương trở về nên luôn mong muốn mình phấn đấu sống tốt, tuân thủ pháp luật. Do vậy, từ nay, tôi sẽ không chở người lên cở sở hà khắc này nữa”, ông Tỵ nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc này trong các số báo tiếp theo.

Bạn đọc bức xúc về sự ngược đãi lao động của cơ sở gỗ ông Phong

Trong những ngày qua, sau khi báo Bình Dương đăng loạt bài “Địa ngục trần gian bên hồ thơ mộng?”, hàng trăm bạn đọc đã gửi email đến tòa soạn bày tỏ sự bức xúc. Bạn đọc tuanpham nêu: “Thời buổi này còn con người đối xử với con người như vậy nữa sao? Thiết nghĩ pháp luật cần nghiêm trị những vụ việc này để răn đe”.

Bạn đọc có tên Thanh Huyen bày tỏ: “Thật không thể chấp nhận được, mong cơ quan có thẩm quyền phải xử lý thật nghiêm khắc chủ cơ sở gỗ Tấn Phong, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Bạn đọc Danh Pham đề nghị xử lý thích đáng đối với chủ cơ sở sản xuất gỗ. Bạn đọc Hoang Hoa viết: “Thật đáng lên án, nếu không có cái chết của anh Bồ Sơn Rót thì liệu sự việc này sẽ tồn tại bao lâu nữa. Một số bạn đọc còn đặt vấn đề vì sao cơ sở này tồn tại trong một thời gian dài, có nhiều sai phạm về pháp luật lao động mà chính quyền cơ sở lại không xử lý?

 

Nhóm P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên