Người dân tiếp tục “tố” chủ cơ sở gỗ

Cập nhật: 20-06-2013 | 00:00:00

Bài cuối: Người trong cuộc nói gì?

> Bài 1: Xin việc làm… rồi bị “nhốt”?

> Bài 2: Cái chết tức tưởi của một lao động nghèo

Trong hai ngày 18 và 19-6, phóng viên Báo Bình Dương tiếp tục trở lại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng để tìm hiểu sự việc liên quan đến cơ sở gỗ của ông Trần Tấn Phong có dấu hiệu bóc lột sức lao động và vi phạm về pháp luật lao động, dẫn đến nhiều lao động bỏ trốn trong đêm, trong đó có một trường hợp bỏ trốn đã chết tức tưởi ở hồ Cần Nôm!

Người dân bức xúc

Vượt qua rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi đến ngã ba ấp Cà Tong theo sự dẫn đường của trưởng ấp, công an viên. Nhiều người dân đã chờ chúng tôi từ rất sớm để “tố” những hành vi liên quan đến cơ sở gỗ của ông Trần Tấn Phong. Theo người dân, từ khi cơ sở này hoạt động chẳng những không đem lợi ích gì cho địa phương mà còn làm cho người dân thêm nhiều lo lắng. Nhiều người dân lâu nay không dám “tố” vì sợ gia đình ông chủ Phong khét tiếng tại khu vực này. Tuy nhiên, từ khi báo chí vào cuộc, họ đã mạnh dạn tố cáo những hành vi coi thường pháp luật, bạc đãi lao động của cơ sở ông Phong.  

Người dân “tố” ông Phong với báo chí

Bà V.T.C. bức xúc cho biết: “Nhiều năm nay, người dân ấp Cà Tong vô cùng bức xúc trước việc cơ sở của ông Phong ngược đãi lao động. Gia đình tôi đã từng cứu nhiều em bỏ trốn trong đêm. Sau đó, cho tiền, hướng dẫn họ đi xe về quê nhà ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, vì giữa rừng cao su bạt ngàn này họ không biết lối ra như thế nào và luôn sợ bị gia đình ông Phong bắt lại, sợ những “nhục hình” có thể đến với mình”.

Bà Đ.T.C., ngụ ấp Cà Tong nói: “Cơ sở này nhỏ thôi nhưng nhiều tốp nhân công đã bỏ trốn trong đêm là có vấn đề. Người dân ở đây đã nhiều lần che chở và giúp đỡ những người lao động tha hương không may rơi vào cơ sở này, sau đó bỏ trốn trong đêm. Họ còn tiếp sức, lo tiền giúp những người không may về quê sinh sống, tránh xa “cái bẫy vắt kiệt sức lao động” giữa rừng cao su bạt ngàn tiếp giáp với hồ Cần Nôm này”.

Cần làm rõ trách nhiệm dẫn đến cái chết của anh Rớt

“Dư luận nhân dân ở đây vô cùng bất bình xoay quanh cái chết tức tưởi của Rớt. Câu chuyện này như “giọt nước tràn ly” xoay quanh những nghi vấn mà lâu nay người dân chưa có dịp bày tỏ! Đó là chưa kể việc có một số thông tin từ những người trực tiếp làm việc cùng Rớt cho biết khi sự việc xảy ra, chính ông Phong đã có dấu hiệu vô cảm khi có người báo với ông là Rớt bị chìm dưới hồ Cần Nôm nhưng ông không tìm cách cứu nạn nhân”.

(Bà V.N.Y, người dân xã Thanh An)

 

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân ấp Cà Tong, ấp Thanh Tân, xã Thanh An đã đề nghị cơ quan chức năng cần làm sáng tỏ cái chết của Rớt ngày 26-5-2013. “Liên quan đến cái chết của công nhân Bồ Sơn Rớt tại cơ sở này, người dân chúng tôi vô cùng bức xúc và đặt ra nhiều nghi vấn. Chúng tôi yêu cầu cơ quan công an sớm làm sáng tỏ cái chết tức tưởi của nạn nhân”, bà V. T.C., người dân ấp Cà Tong, xã Thanh An bức xúc nói.

Nhiều người dân ở đây cho rằng, dù cái chết của Rớt xác định ban đầu là do chết đuối khi cố tìm đường thoát khỏi cơ sở này nhưng trách nhiệm của ông Phong là rất lớn. Bởi Rớt làm việc chưa đến 1 tuần nhưng lại bỏ trốn. Nếu như cơ sở không đối xử tệ bạc với nhân công thì Rớt sẽ không bỏ trốn và sẽ không có cái chết tức tưởi, bi thảm, gây ra mất mát, đau thương cho gia đình Rớt.

Chị L.T.Đ., người trực tiếp lao động cùng Rớt (nay đã nghỉ và về quê nhà ở tỉnh Sóc Trăng) cho biết, lúc Rớt chết chị đã rơi nước mắt. “Em ấy cùng với em Đương bỏ trốn vì chịu không nổi cảnh “ngục tù” tại nơi mình làm. Tôi sẵn sàng làm chứng để “tố” ông chủ cũ của mình đã nhẫn tâm với người lao động”, chị Đ. nói.

Tiếp xúc với chúng tôi hôm 18-6, ông Trần Tấn Phong, chủ cơ sở gỗ mà dân “tố” đã thừa nhận là mình từng khóa cửa bên ngoài nơi ở của các lao động. Tại nơi người lao động ăn ở, ông còn trang bị hẳn một camera quan sát đặt chĩa thẳng vào nơi ăn ở, sinh hoạt của người lao động. Ông biện minh: “Tôi từng khóa cửa bên ngoài với người lao động nhưng chỉ với lao động nào tôi cảm thấy có dấu hiệu nghi ngờ bỏ trốn”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi “Vì sao lao động ở cơ sở ông liên tục bỏ trốn, có phải vì ông đối xử tệ bạc với họ, ép bức họ không?”. Ông Phong không giải thích được, ông chỉ nói “Tôi cũng không hiểu vì sao lao động bỏ trốn”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề này trong các số báo tiếp theo.

  Bí thư Đảng ủy xã Thanh An VÕ VĂN Á: Cần làm sáng tỏ nghi vấn của người dân

Đảng ủy xã rất quan tâm vấn đề này, mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở gỗ và cá nhân ông Trần Tấn Phong. Qua kiểm tra của địa phương tại cơ sở này, bước đầu phát hiện những sai phạm tại đây như: Cơ sở không thực hiện hợp đồng lao động, không có bảo hiểm cho người lao động cũng như các chế độ chính sách liên quan khác. Ngoài ra, cơ sở, nơi ở của người lao động không được bảo đảm. Việc khóa nhốt lao động như dân phản ánh là không thể chấp nhận được, hành vi này đáng lên án. Từ khi cái chết của công nhân Bồ Sơn Rớt được dư luận bàn tán, đặt nghi vấn, địa phương cũng hết sức quan tâm. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, trả lời dư luận.

 Trưởng ấp Thanh Tân NGÔ VĂN LONG: Nếu nói ấp quản lý yếu kém thì chúng tôi xin nhận khuyết điểm

Khi báo chí thông tin sự việc, chúng tôi mới vỡ lẽ. Nếu nói ấp quản lý yếu kém thì chúng tôi xin nhận khuyết điểm, chớ vấn đề này tôi không nắm rõ ràng, vì cơ sở này hoạt động nơi vắng vẻ, biệt lập; hơn nữa, một số vấn đề vượt ngoài chức năng thẩm quyền nên chúng tôi khó tiếp cận cơ sở. Ông Phong đăng ký tạm trú ở ấp Thanh Tân nhưng cơ sở thì hoạt động ở ấp Cà Tong nên càng khó cho chúng tôi.

 Công an viên ấp Thanh Tân BÙI ĐỨC THẮNG: Người bỏ trốn khai báo do đói khổ

Trong 2 năm làm công an viên, đã nhiều lần tôi trực tiếp đứng ra giải quyết tranh chấp xảy ra tại cơ sở này, trong đó có trường hợp công nhân không được trả lương, họ tìm đến nhờ tôi đứng ra can thiệp. Sau đó, tôi đã đến hòa giải, phân tích cho chủ cơ sở giải quyết tiền công cho người lao động. Có 2 vụ công nhân bỏ trốn cũng tìm đến nhà tôi, tuy nhiên tôi không có ở nhà. Những người này đã được vợ tôi hỗ trợ tiền tàu xe về quê. Những lao động bỏ trốn cho biết, không muốn quay lại làm tại cơ sở này. Còn một lần anh em đang ngồi ăn tiệc, nghe tiếng hô cướp giật dây chuyền, đích thân tôi đi kiểm tra mới vỡ lẽ là có 2 người tại cơ sở ông Phong bỏ trốn, trong đó người may mắn thoát được, người còn lại không trốn được khai báo do “đói khổ” nên bỏ trốn. Hiện tượng này hàng năm tôi vẫn báo cáo xã trong các cuộc họp giao ban. Chức năng công an ấp có giới hạn, tôi không thể đến cơ sở giám sát thường xuyên.

NHÓM P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên