Theo Quyết định 149/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 vừa được ban hành, điểm đáng chú ý là sẽ cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện được cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử nhằm tăng tính cạnh tranh, bảo đảm an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp.
Việc có thêm tân binh tham gia thị trường sẽ tạo nên một sân chơi cạnh tranh, khiến mặt bằng phí rẻ hơn, tiện ích đa dạng hơn, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa không dùng tiền mặt. Mặc dù vậy, theo phân tích của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), hệ thống thanh toán điện tử của Việt Nam hiện mới đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị, còn với khu vực nông thôn thì hầu như chưa có gì.
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, hiện hạ tầng thanh toán nước ta phân bố chưa đồng bộ, hệ thống máy ATM, POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố, tập trung ở các siêu thị, thiếu vắng ở nông thôn. Hệ thống chuyển mạch chỉ mới kết nối được mạng lưới ATM, POS…, chưa liên thông được các phương tiện thanh toán mới. Trong khi đó, các loại phí chuyển mạch còn cao, kết nối dịch vụ công còn yếu, doanh thu Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) thu về từ dịch vụ rút tiền từ thẻ ATM còn lớn…
HOÀNG ANH