Sơn mài Tương Bình Hiệp: Thời vàng son và nỗ lực bảo tồn

Cập nhật: 27-10-2022 | 08:24:10

Các ngành nghề thủ công truyền thống ở Bình Dương không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người làm nghề, mà còn tạo nên sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng miền, ẩn chứa cả những giá trị lịch sử to lớn, trong đó có nghề sơn mài.

 Tinh hoa hội tụ

Ở Bình Dương, trong quá trình khai hoang lập ấp, những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung đổ về đã mang theo những nghề thủ công truyền thống. Ban đầu nghề chỉ mang tính tự cung tự cấp hoặc trao đổi với nhau bằng sản vật để phục vụ đời sống. Quá trình di cư, cộng cư và hội nhập nhiều thành phần dân tộc trên đất Bình Dương ngày càng nhiều, cùng với việc được thiên nhiên ưu đãi, điều kiện địa lý thuận lợi nên vùng đất Bình Dương có nhịp độ phát triển kinh tế khá nhanh.

 Thời điểm vàng son của nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là vào giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ XX với hơn 90% dân cư tham gia làm nghề

Nghề sơn mài tập trung chủ yếu tại hai làng Tương Bình và Tương Hiệp thuộc tổng Bình Thổ, sau đó thuộc tổng Bình Phú (năm 1916) và được sáp nhập thành làng Tương Bình Hiệp vào năm 1927. Ban đầu ở Tương Bình Hiệp mới chỉ có một vài hộ chuyên làm sơn son thếp vàng và pha chế sơn then. Về sau, làng nghề Tương Bình Hiệp dần dần phát triển, thợ sơn đất Thủ trở nên nổi tiếng và tạo ra các mặt hàng ngày càng đa dạng hơn.

Ðỉnh cao của sự phát triển nghề sơn mài vào khoảng thời gian từ năm 1945-1975, hàng sơn mài đạt đến sự phong phú, đa dạng và chất lượng nghệ thuật, được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và có giá trị thương mại lớn. Những năm sau đổi mới, sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp tục phát triển. Trải qua nhiều thế hệ, các cơ sở tại làng nghề vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á Ðông. Làng nghề cũng có khả năng sản xuất đa dạng nhiều loại sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các sản phẩm trang trí như: Bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp...

Dấu ấn trăm năm

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một là một trong những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng khắp cả nước và được xem là chiếc nôi của sơn mài Bình Dương. Nét đẹp truyền thống của sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ chính là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát trong mỗi chi tiết, đường nét. Đặc biệt, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được một số chuyên gia đánh giá có tính năng chịu đựng được cả ở vùng khí hậu hàn đới châu Âu khi không bị bong nứt hoặc biến dạng.

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, cho biết vào những năm 1960, nghề sơn mài bắt đầu phát triển “người người làm sơn mài, nhà nhà làm sơn mài”. Lúc đó, trên vùng đất Thủ Dầu Một có cả phố nghề về sơn mài như Phú Cường, Chánh Nghĩa, Chánh Hiệp; đặc biệt, làng sơn mài Mỹ Hảo, Tân An, Tương Bình Hiệp... hoạt động khá nhộn nhịp, được khách hàng các nơi trong và ngoài tỉnh biết đến. Thời điểm vàng son của nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là vào giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, có trên 400 hộ sản xuất sơn mài, với hơn 90% dân cư tham gia làm nghề. Sản phẩm bán chạy, thu nhập của người dân tăng cao, đời sống của dân địa phương tăng lên một bước.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Chính vì vậy, làng sơn mài Tương Bình Hiệp được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 3855 vào năm 2008. Năm 2016, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một vinh dự lớn, sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của nghề sơn mài. Sự kiện này một lần nữa khẳng định vị thế, thương hiệu sơn mài Bình Dương nói chung, sơn mài Tương Bình Hiệp nói riêng trên thương trường các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ.

 Sơn mài Tương Bình Hiệp - Bình Dương là một thương hiệu lớn, có giá trị trong lịch sử và hiện tại. Hàng hóa sản xuất tại làng nghề này từng là mặt hàng chủ đạo xuất khẩu, tham gia nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Sản phẩm sơn mài Thành Lễ vinh dự có mặt tại tư dinh Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng thống Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santa) tại Thụy Sĩ. Tháng 1-2012, Cục sở Hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cấp giấy chứng nhận công nhận nhãn hiệu tập thể sơn mài Bình Dương nhằm xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu sơn mài Bình Dương. Năm 2015, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=421
Quay lên trên