Sống trong tù kiên trung bất khuất...

Cập nhật: 24-03-2020 | 05:41:07

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng với bà Lê Thị Việt Lan, Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) tỉnh Bình Dương thì những năm tháng khổ sai ở “địa ngục trần gian” vẫn không thể nào nguôi ngoai. Nhưng chính những gông cùm, xiềng xích, phòng biệt giam... với nhiều kiểu tra tấn dã man đã trở thành trường học cách mạng, nơi bà tỏa sáng lòng dũng cảm và ý chí son sắt.

 Bà Lê Thị Việt Lan (thứ 4 từ phải qua) nhận bằng khen của UBND tỉnh

 Dòng máu “Tam Tân”

Hồi tưởng lại con đường cách mạng của mình, bà Lê Thị Việt Lan tự hào cho biết bà sinh ra và lớn lên bên dòng sông chợ Đệm (thuộc huyện Bình Chánh, tỉnh Gia Định, nay là TP.Hồ Chí Minh). Vùng chợ Đệm, trong kháng chiến được gọi là vùng “Tam Tân” (gồm Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo) rất nổi tiếng bởi người dân nơi đây giàu lòng yêu nước. Vùng “Tam Tân” cùng với các địa danh khác như Bà Điểm, Hóc Môn, Củ Chi… chính là “vành đai đỏ” của Sài Gòn. Ba của bà Lê Thị Việt Lan đã tham gia chống Pháp, rồi đến chống Mỹ. Vì vậy, dòng máu cách mạng, dòng máu “Tam Tân” đã chảy trong tim bà từ khi mới lọt lòng.

Bà Lan cho biết năm mới 13 tuổi, bà đã làm giao liên mật cho các bác ở huyện Bình Tân (tỉnh Gia Định). 15 tuổi, bà chính thức thoát ly theo cách mạng, công tác tại Phòng Chính trị, Phân khu 3 (Nam Long An). 5 năm sau, cuộc đời hoạt động cách mạng của bà bước sang một ngã rẽ khác. Đó là ngày 19-8-1969, khi bà đang trú ẩn ở hầm bí mật thì bị địch phát hiện. Giây phút địch khui nắp hầm, bà đã dùng lựu đạn đánh chết và bị thương 3 tên. Lập tức, địch dùng trái ngạt đánh xuống hầm... và bà không thể chạy thoát. Bà bị bắt về Tiểu khu Long An. Hai tuần sau, chúng đưa về trại giam Hố Nai (Biên Hòa), sau đó đưa bà ra trại giam “Nữ tù binh cộng sản Việt Nam Quy Nhơn” (tỉnh Bình Định). Đây là 1 trong 6 trại giam trung ương do đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng từ năm 1967- 1969. Từ đây, bà Lan bắt đầu một cuộc chiến mới trong nhà tù.

Theo lời bà kể, khi đưa khoảng 40 - 50 nữ tù từ Hố Nai (Biên Hòa) về Quy Nhơn (Bình Định), bọn địch lọc những chị lớn tuổi đưa vào trại 2 (trại ngoan cố chống đối), còn lại đưa về trại 1 (ở trại này buộc phải ký giấy chiêu hồi). Để không ký giấy chiêu hồi và có thể qua trại 2 ở, không còn cách nào khác, các chị phải đấu tranh quyết liệt. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy trại 2, Chi bộ trại 1 ra đời vào tháng 11-1969, bà Lê Thị Việt Lan (lúc này có tên là Phạm Thị Nguyệt) làm Phó Bí thư chi bộ. Đây cũng là chi bộ đầu tiên của trại.

Nhớ lại những năm tháng ở tù, bà Lê Thị Việt Lan còn rợn người. Bọn địch dùng mọi biện pháp tra tấn dã man để đe dọa, bức bách, mua chuộc bà. Nhưng bất chấp mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, bà vẫn kiên định lòng tin về sự nghiệp cách mạng, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất trước quân địch; không đầu hàng, không khai báo, không thực hiện mệnh lệnh phá hoại giá trị thiêng liêng của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà cũng như bao chiến sĩ cách mạng khác đã đoàn kết nhau lại để chống chế độ hà khắc, khổ sai, chống lại các hoạt động chào cờ địch, chống hô khẩu hiệu phản cách mạng. Nhà tù chính là trường học để nâng cao trình độ hiểu biết về cách mạng, về trình độ văn hóa, giữ vững ý chí chiến đấu...

Và bà Lan kể tiếp, những ngày ở phòng biệt giam, ba chị em (Dung, Lan, Liên) thống nhất với nhau, sau khi ra khỏi phòng biệt giam nếu vẫn không được qua trại 2 thì sẽ vượt ngục. Nói là làm, ngày 15-10-1970, ba chị em tổ chức vượt ngục. Qua 13 lớp kẽm gai, bà Lan, bà Dung thoát được ra ngoài, bà Liên chưa ra được bị địch bắn bị thương. Phát hiện tù binh vượt ngục, địch bắn pháo cối, pháo sáng và lùng sục khắp nơi. Cuối cùng bà Lan, bà Dung cũng bị bắt lại và bị đánh liệt hết hai chân, rồi bị đưa về phòng biệt giam lần thứ 2.

“Mày ký giấy chiêu hồi đi, tao cho trị bệnh, còn nếu theo cộng sản, tao cho chết rục xương”... Những câu đe dọa tương tự như vậy cứ lặp đi, lặp lại, cuối cùng không khuất phục được bà Lan, bọn cai ngục buộc lòng phải đưa bà qua trại 2. “Tháng 12-1971, tôi được đưa qua trại 2. Đây thật sự là ngày trở về, được trở về với đồng chí, đồng đội, những người thương yêu của mình”, bà Lan nhớ lại khoảnh khắc được về trại 2. Về đây, bà được chị em giúp đỡ tập luyện nên chân dần hồi phục và đi lại được. Ngày 15-2-1973, bà Lan được trao trả về với cách mạng ở sân bay Lộc Ninh.

Tình nghĩa thủy chung

“Sống trong tù kiên trung bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”, vì vậy mà nhiều năm qua, Ban Liên lạc CSCMBĐBTĐ tỉnh trở thành mái nhà chung để những người từng “nếm mật nằm gai”, chịu không biết bao kiểu tra tấn dã man trong nhà tù được tập hợp lại, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Và với vai trò là Trưởng ban liên lạc, bà Lê Thị Việt Lan luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bà Lan cho biết Ban liên lạc hiện đã có trên 720 hội viên. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, trên thân thể mang nhiều thương tích, nhưng các CSCMBĐBTĐ vẫn không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của “bộ đội Cụ Hồ”, phát huy truyền thống kiên trung, bất khuất trong lao tù, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng. Cán bộ, hội viên đều hăng hái tham gia các phong trào ở địa phương, như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ban liên lạc thường xuyên chăm lo, thăm hỏi, động viên, tặng quà các hội viên những lúc khó khăn, ốm đau; tặng hàng trăm suất quà cho hội viên cao tuổi, là thương bệnh binh nặng; phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hội viên; thăm hỏi khi hội viên qua đời… tổng số tiền trong 5 năm qua (2014-2019) trị giá trên 1 tỷ đồng.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều hội viên tự nguyện đóng góp, hiến đất để làm đường dân sinh, giao thông nội đồng, ủng hộ xây dựng công trình phúc lợi, quỹ khuyến học; tích cực tham gia ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… Cán bộ, hội viên còn tích cực vận động con, cháu xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, 100% gia đình hội viên được công nhận gia đình văn hóa, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng và nhân dân, nhiều gia đình hội viên có con trở thành doanh nhân thành đạt, giữ cương vị lãnh đạo trong hệ thống các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp.

Bà Lê Thị Việt Lan cho biết mới đây Ban Liên lạc CSCMBĐBTĐ tỉnh đã tổ chức đại hội. Theo đó nhiệm kỳ 2019-2024, Ban Liên lạc CSCMBĐBTĐ tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu: “Trung thành-Đoàn kết - Nghĩa tình - Xây dựng tổ chức CSCMBĐBTĐ vững mạnh”, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 THU  THẢO  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1048
Quay lên trên