Từ việc muốn cứu người bị nạn, ông Nguyễn Văn Tài (78 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã An Điền, TX.Bến Cát) đã “độ” lại chiếc xe ô tô 4 chỗ thành xe chở người bị tai nạn giao thông (TNGT) đi cấp cứu. Từ năm 2015 đến nay, ông Tài cùng các thành viên trong Đội cứu thương TNGT (Đội CTTNGT) ở ấp Tân Lập đã sơ cứu, đưa hàng chục người đến bệnh viện kịp thời, giúp họ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Trong xe của bác Nguyễn Văn Tài (trái) luôn có băng ca cứu thương và một số dụng cụ sơ cứu để sẵn sàng giúp đỡ người bị tai nạn giao thông
“Mê” giúp người
Bên ly trà nóng, chúng tôi được nghe người cựu chiến binh ấy kể lại những năm tháng tham gia xây dựng chính quyền cách mạng ở Bến Cát. Năm 1988, ông đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, với bản chất của người lính, ông không nghỉ ngơi mà muốn làm điều gì có ích cho xã hội. Trong những lần đi trên đường, thấy hình ảnh nhiều người bị TNGT thương tích rất nặng, nếu không đưa đi bệnh viện kịp thời chữa trị thì tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, trong khi đó mặc dù nhiều người đi đường muốn giúp nạn nhân nhưng vì nhiều lý do nên e ngại, ông đã lóe lên ý nghĩ phải giúp người bị nạn. Xuất phát từ ý nghĩ “mình không giúp họ thì ai giúp!” nên khi phát hiện vụ TNGT nào xảy ra, ông Tài lập tức đến xem tình trạng thương tích của nạn nhân như thế nào để tiến hành sơ cứu, sau đó đưa đến bệnh viện gần nhất.
“Trong những vụ TNGT, phần lớn nạn nhân không có người nhà bên cạnh. Những trường hợp như thế, tôi phải ở lại bệnh viện hoàn thành thủ tục nhập viện và chăm sóc họ cho đến khi có người nhà đến. Một số người nhà thấy người thân đau đớn do TNGT nên đôi khi hiểu lầm tôi là người gây ra TNGT, dẫn đến to tiếng với tôi. Những lúc như thế, tôi rất thông cảm, nhỏ nhẹ giải thích cho họ hiểu. Nghe giải thích, họ liền xin lỗi”, ông nhớ lại.
Sau nhiều lần đưa người bị nạn đi cấp cứu, ông Tài trở thành “khách quen” của các bệnh viện trên địa bàn TX.Bến Cát. “Trước đây, mỗi khi tôi đưa nạn nhân bị TNGT đến bệnh viện cấp cứu, một số người tiếp nhận nghi ngờ tôi là người gây ra TNGT nên truy vấn tôi gay gắt. Tôi phải khéo léo giải thích cho việc làm của bản thân. Sau nhiều lần như thế, từ anh bảo vệ đến y, bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện biết việc làm của tôi nên sau này hỗ trợ rất nhiệt tình”, ông Tài nói về những kỷ niệm trong công việc của mình.
Theo ông Tài, ngoài sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Hội Cựu chiến binh, điều khiến ông vui nhất chính là sự ủng hộ hết mình của gia đình, nhất là vợ ông. “Có đêm, tôi nhận được thông tin gần nhà xảy ra TNGT có người bị thương nặng hoặc trong ấp có người đau ốm cần đưa đi bệnh viện gấp là bà xã giúp tôi chuẩn bị dụng cụ cứu thương rồi tiễn tôi ra cửa. Về đến nhà khi gà cất tiếng gáy, tôi bất ngờ khi thấy bà không ngủ mà vẫn đợi tôi”, ông Tài xúc động.
“Xe cứu thương” không còi ưu tiên
Dẫn chúng tôi đi xem chiếc xe 4 chỗ màu trắng bạc, ông Tài cho biết đây là chiếc xe được dùng để chở người bị thương trong TNGT đi cấp cứu. Khi vừa mua xe về, ông đã mang ra gara sửa chữa ô tô yêu cầu họ tháo băng ghế sau để “độ” thành nơi để băng ca cứu thương. Mỗi khi đi đâu, ông Tài luôn để một băng ca cứu thương cùng một số dụng cụ sơ cứu vết thương ở phía sau băng ghế. Ông không nhớ bao nhiêu lần đã đưa người bị TNGT đi cấp cứu bằng chiếc xe ô tô này. Có lần đang tưới cây phía sau nhà, ông giật mình bởi tiếng gọi lớn của người hàng xóm. Người hàng xóm hốt hoảng chạy vào nhà ông báo tin trên đường 7A, gần ngã ba khu dân cư Khu công nghiệp Rạch Bắp vừa xảy ra một vụ TNGT. Hai vợ chồng cùng đứa con bị xe tải tông trúng, thương tích rất nặng. “Cứu người như cứu hỏa”, ông bỏ ngang việc và lái xe ô tô đến ngay hiện trường; đồng thời gọi điện thoại cho các thành viên trong Đội CTTNGT đến hỗ trợ bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông. Mặc dù đã chứng kiến nhiều vụ TNGT nhưng ông vẫn bàng hoàng trước hình ảnh cặp vợ chồng bị đa chấn thương nằm trên mặt đường nhựa nóng ran, tiếng đứa con khóc nghẹn vì hoảng sợ. Lấy lại bình tĩnh, ông cùng các thành viên trong Đội CTTNGT sơ cứu vết thương cho hai vợ chồng rồi chuyển lên xe ô tô đưa đi cấp cứu. “Trên đường đến bệnh viện, người chồng dần rơi vào trạng thái hôn mê rồi trút hơi thở cuối cùng vì thương tích quá nặng. Còn người vợ may mắn được cứu sống. Tội nghiệp đứa bé đã sớm mồ côi cha!”, ông Tài bùi ngùi nhớ lại.
Đây không phải là lần đầu ông chứng kiến cái chết thương tâm của người bị TNGT trong lúc đưa họ đến bệnh viện. “Mỗi lần như thế, tôi rất đau xót như chính người thân trong nhà vậy”, ông tâm sự. Ông biết có những nạn nhân trong vụ TNGT có thể chết trong xe của ông khi trên đường đến bệnh viện cùng những rắc rối sau này gặp phải, nhưng theo ông Tài, nếu không kịp thời đưa người bị nạn sớm đến bệnh viện thì mỗi giây, mỗi phút trôi đi, họ lại đến gần với “thần chết” hơn! Có lẽ vì thế nên mỗi khi đang lái xe mà thấy phía trước tụ tập đông người, ông đều tấp vào lề đường để xem có phải là TNGT để kịp thời giúp người bị nạn. Đến nay, ông Tài không nhớ rõ đã giúp bao nhiêu người bị TNGT thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” vì ông quan niệm rằng “đã giúp người thì cần gì phải ghi nhớ”.
So với trước đây, sức khỏe của ông Tài đã giảm đáng kể, không còn nhanh nhẹn như ngày xưa nữa. Nhiều người khuyên ông nên tạm gác việc đưa người bị TNGT đi cấp cứu vì không có ông thì cũng có lực lượng chức năng hay người khác làm công việc này. Nhưng ông Tài vẫn muốn khi nào còn khỏe, minh mẫn lái xe được, bất kể ngày hay đêm nếu gặp người bị nạn hay người khác nhờ giúp đỡ thì đều đưa họ đến bệnh viện. “Mình không giúp họ thì ai giúp!”, ông Tài nhắc lại câu nói mà ông xem như là tôn chỉ trong công việc từ thiện của mình.
Xuất phát từ việc làm ý nghĩa của ông Nguyễn Văn Tài, Hội Cựu chiến binh xã An Điền đã thành lập Đội CTTNGT ở ấp Tân Lập vào năm 2015 với 39 thành viên. Ông Tài được các thành viên trong đội tín nhiệm bầu làm tổ trưởng. Theo đó, khi trên địa bàn ấp xảy ra TNGT, Đội CTTNGT của ấp sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác tham gia bảo vệ hiện trường TNGT, điều tiết giao thông. Đội CTTNGT còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cũng như cảnh báo các nguy cơ dẫn đến TNGT để người dân phòng ngừa. Riêng bản thân ông Tài cùng một số thành viên còn lại có nhiệm vụ sơ cứu vết thương người bị nạn và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Theo thống kê sơ bộ từ năm 2015 đến nay, ông Tài cùng các thành viên trong Đội CTTNGT đã sơ cứu, đưa 14 người bị TNGT đến bệnh viện kịp thời, góp phần giúp họ giành lại sự sống. Với những thành tích trên, bản thân ông Tài cùng các thành viên trong Đội CTTNGT đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Nhưng “bằng khen” lớn nhất mà ông Tài nhận được chính là sự cảm phục, quý mến trước việc làm hiệp nghĩa của ông từ người dân, đặc biệt là những người từng được ông giúp đỡ. Ông Trương Quang Hiền, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Điền, cho biết: “Mô hình Đội CTTNGT ở ấp Tân Lập là một trong những mô hình điển hình về thực hiện Nghị quyết liên tịch phối hợp giữa Công an - Hội Cựu chiến và chương trình phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh và Ban An toàn giao thông. Các cựu chiến binh tham gia trong đội trên tinh thần tự nguyện, mong muốn đóng góp công sức của bản thân cho địa phương. Riêng bản thân ông Tài, mặc dù đã lớn tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Việc ông Tài tự nguyện sử dụng xe ô tô của gia đình để đưa người bị TNGT đi cấp cứu rất đáng được biểu dương. Có thể nói, những đóng góp của ông Tài và Đội CTTNGT đã góp phần giữ vững trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn xã”. |
NGUYỄN HẬU