Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc có giá trị vô cùng to lớn. Suốt 45 năm qua, nội dung của bản Di chúc không những là kim chỉ nam trong các quyết sách lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta mà còn lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Ý nghĩa từ một công trình
Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước một lòng thực hiện Di chúc của Bác. Bùi ngùi nhớ Bác, học theo, thầm hứa với Bác, các tầng lớp nhân dân đã ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều địa phương đã tổ chức các hội thảo khoa học hoặc làm các công trình lớn nhằm thực hiện Di chúc của Bác.
Đoàn viên và người dân tìm hiểu bản Di chúc của Bác. Ảnh: LÊ THẨM
Tại TX.Dĩ An có một công trình nhỏ, nhưng ý nghĩa lại rất lớn lao, đó là “Công trình lắp đặt bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” xuất phát từ sáng kiến của Thị đoàn Dĩ An. “Nói là công trình nhưng thực tế việc lắp đặt các bản Di chúc ở 7 phường và 41 khu phố chỉ tốn kinh phí 38 triệu đồng”, anh Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Bí thư Thị đoàn Dĩ An, cho biết.
Như đoán được thắc mắc của chúng tôi là tại sao lại chọn trụ sở các UBND phường và các khu phố để đặt bản Di chúc của Bác, anh Lĩnh lý giải rằng, điều này nhằm giúp đoàn viên, thanh thiếu niên và người dân trực tiếp tìm hiểu, học tập để thực hiện Di chúc của Bác bằng những việc làm cụ thể. Thông qua đó, mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ tự hoàn thiện mình về đạo đức, lối sống noi theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủtịch Hồ Chí Minh. Ngoài lắp đặt bản Di chúc của Bác, Thị đoàn Dĩ An còn xây dựng tủ sách “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” gồm những tác phẩm của Bác, tư liệu, sách báo, kể cả một số bài thi, bài cảm nhận có chất lượng tốt của các tập thể, cá nhân khi viết về Bác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Bảy, Trưởng ban Tuyên giáo Thị Ủy Dĩ An, cho biết ngay từ năm 2013, Thị đoàn Dĩ An đã triển khai công trình này. Việc đặt bản Di chúc tại các phường để bà con cùng có điều kiện tận mắt đọc toàn văn và học tập, cho thấy Đoàn đã chủ động và đi trước một bước. Có thể nói đây là mô hình sáng tạo, có ý nghĩa thiết thực. Bởi khi đọc nội dung của bản Di chúc, nhận thức và hành động của cán bộ, người dân sẽ chuyển biến theo hướng tích cực, tạo sức lan tỏa đến các cộng đồng dân cư, các gia đình về học tập và làm theo Bác.
Sức lan tỏa từ bản Di chúc của Bác
Theo chỉ dẫn của một cán bộ Thị đoàn, hơn 10 giờ sáng chúng tôi đến UBND phường Dĩ An. Tại đây, bản Di chúc của Bác được in trên tấm mi ca treo trang trọng ngay trên bức tường lớn. Ông Nguyễn Văn Thuấn, 63 tuổi, một cựu chiến binh của phường và một số thanh niên địa phương đang chăm chú đọc từng chữ trong bản Di chúc. “Bác Hồ đã nói rõ: Đảng muốn mạnh phải dựa vào dân, phải làm gương từ việc nhỏ đến việc lớn, đặc biệt phải thương dân, gắn bó máu thịt với dân, như thế dân mới đặt trọn niềm tin và một lòng theo Đảng. Tôi già rồi, từng trải qua chiến tranh gian khổ, bây giờ tôi cũng học Bác, làm gương tốt cho con cháu mình…”, ông Thuấn nói.
Tại phường Tân Đông Hiệp, do khuôn viên rộng, nên bản Di chúc của Bác được đặt bên ngoài, xung quanh trồng hoa. Gần 11 giờ trưa nhưng bộ phận hành chính một cửa của phường vẫn đông người. Tranh thủ lúc chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính, nhiều người dân tìm đến đọc bản Di chúc và bình luận khá sôi nổi. Anh Phạm Đoàn, 36 tuổi, công nhân, quê Hà Tĩnh, đã gắn bó với Bình Dương 17 năm, khẳng định những điều Bác căn dặn trong Di chúc có giá trị vĩnh hằng. “Bác Hồ có tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng và một lòng vì dân, vì nước. Tôi luôn tâm niệm sẽ thực hiện tốt những lời dạy của Người”, anh Đoàn chia sẻ thêm. Chị Phạm Thùy Trang, 41 tuổi, một người dân sinh sống tại phường Tân Đông Hiệp, cho biết, lúc trước chị chưa được đọc toàn văn bản Di chúc của Bác. Nay đọc bản Di chúc, càng suy ngẫm, chị càng cảm nhận được tấm lòng khoan dung, nhân ái bao la của Bác. Còn anh Võ Văn Đông, đoàn viên ở khu phố Tân Phước (phường Tân Bình), nói: “Tôi học được ở Bác rất nhiều điều. Đó là tinh thần vì dân vì nước, học tập, lao động hăng say, đức tính cần kiệm liêm chính và luyện tập thể thao…”.
Có thể nói, dù Bác đã đi xa, nhưng sức sống từ bản Di chúc của người vẫn trường tồn. Qua cảm xúc từ các tầng lớp nhân dân khi đọc bản Di chúc của Bác, chúng tôi chợt bồi hồi và bỗng thèm được nghe giọng của nghệ sĩ Thu Hiền khi hát ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” của cố nhạc sĩ Thuận Yến. Vâng. “...Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”.
LÊ THẨM