Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày Tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, sáng 22/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Trình bày tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết sau 15 năm thi hành, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đạo luật đầu tiên quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức Mặt trận đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung.
Theo ông Vũ Trọng Kim, Luật chưa có những cơ chế pháp lý cụ thể để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm, cũng như chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân.
Do những hạn chế của Luật hiện hành, một số quy định đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách đồng bộ; việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay; sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp vẫn còn hạn chế.
Hoạt động giám sát của Mặt trận chưa được thực hiện thường xuyên và toàn diện, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thiếu các cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đạt hiệu quả cao…
Thực tiễn hiện nay đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức, tổ chức và cơ chế hoạt động để đáp ứng nhiệm vụ tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải bổ sung và cụ thể hóa những quy định liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013; trong đó có những quy định như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân…
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm cụ thể hóa quy định mới của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án Luật trình Quốc hội lần này về cơ bản đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn bản khác của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Dự thảo Luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định rõ tính chất giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm, cần tiếp tục quy định cụ thể hơn cơ chế để Mặt trận tham gia hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành có liên quan; xác định rõ những nội dung cần quy định trong Luật, những nội dung quy định trong Điều lệ.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Theo TTXVN