Kỳ 3: Lan tỏa phát triển công nghiệp
Đến nay, toàn TX.Bến Cát có 8 khu công nghiệp (KCN). Thị xã trở thành một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả tỉnh. Quá trình phát triển công nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ, lan tỏa khắp các xã, phường của thị xã.
Ngành công nghiệp đóng góp lớn
Phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát hiện nay đã có nhiều thay đổi so với vài năm trở về trước. Giờ đây, trên địa bàn phường, hệ thống giao thông hiện đại, tiện lợi hơn; các khu dân cư mới xuất hiện ngày một nhiều; dọc theo trục đường chính ĐT741 đi qua phường nhà cửa san sát, khang trang, hoạt động kinh doanh mua bán phát triển mạnh mẽ… Trên địa bàn phường hiện có 35 doanh nghiệp trong nước, 15 doanh nghiệp ngoài nước đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hơn 15.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Các ngành nghề đang thu hút nhiều doanh nghiệp đến đây đầu tư làm ăn là giày da, chế biến hạt điều, dược mỹ phẩm, kính công nghiệp… Hoạt động nhộn nhịp, sôi động của các doanh nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ đã góp phần to lớn trong việc nâng cao mức sống của người dân trong phường. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của phường Hòa Lợi là trên 60 triệu đồng thì đến năm 2017 đã là 75 triệu đồng.
Ngành công nghiệp của TX.Bến Cát phát triển lan tỏa khắp các xã, phường. Trong ảnh: Khu đô thị và công nghiệp Mỹ Phước 3 (phường Thới Hòa). Ảnh: PHÙNG HIẾU
Đến phường Chánh Phú Hòa, đang nhâm nhi ly nước tại một quán giải khát ven đường, cách Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương chỉ vài trăm mét, chúng tôi bất ngờ khi được chị chủ quán tên Thu hỏi: “Khu liên hợp này hoạt động như thế nào mà xe ra vào liên hồi vậy mấy anh?”. Chúng tôi liền nói: “Đây là Khu liên hợp xử lý chất thải hiện đại nhất nhì Đông Nam Á, Bình Dương là địa phương hiếm hoi trong cả nước có được. Khu liên hợp được Chính phủ Phần Lan cho vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Khu liên hợp này có thể biến rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp thành phân bón hữu cơ, gạch xây dựng và tạo ra nhiên liệu để chạy nhà máy điện công suất nhỏ. Nếu sản phẩm tốt, chúng ta có thể xuất khẩu”. Chị Thu cười tỏ vẻ không tin những gì chúng tôi nói: “Rác có thể xuất khẩu sao?”.
Chúng tôi nói có cơ sở, bằng chứng là sản phẩm gạch ngói, phân hữu cơ từ khu liên hợp này đang bán rộng rãi trên thị trường Bình Dương và một số tỉnh, thành phía Nam. Khu liên hợp vừa giải bài toán rác thải tại các đô thị của Bình Dương vừa tái sản xuất tạo ra sản phẩm để phục vụ tiêu dùng. Nếu có thêm vài ba khu liên hợp như thế này nữa, Bình Dương hoàn toàn có thể phát triển mạnh thêm về ngành công nghiệp xử lý rác thải, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường và tham gia thị trường xuất khẩu.
Ông Võ Thành Giàu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chánh Phú Hòa (hiện là Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng) chia sẻ, khi đang là xã, Chánh Phú Hòa đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành xã nông thôn mới vào năm 2013. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp - thương mại chiếm vai trò chủ đạo. Công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị cũng được địa phương chú trọng đầu tư, để rồi đến cuối năm 2014 Chánh Phú Hòa đủ điều kiện để được công nhận là một phường trực thuộc TX.Bến Cát. Điều đáng mừng là đến năm 2017, thu nhập bình quân của phường đạt 72 triệu đồng/người; trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp chiếm 70%, thương mại - dịch vụ 18%, nông nghiệp còn 12%.
Công nghiệp về nông thôn
Những năm qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản được TX.Bến Cát chú trọng và coi đây là một trong những động lực để phát triển kinh tế. Nhiều công trình có tính huyết mạch của tỉnh, thị xã đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn thị xã, như các công trình nâng cấp, mở rộng đường 7A, đường ĐT744, cầu Ông Cộ, cầu Thới An… Năm 2015, cầu Ông Cộ mới bắc qua sông Thị Tính được thông xe, giúp giảm hẳn tình trạng kẹt xe khi lưu thông qua cầu Ông Cộ cũ. Việc cầu Ông Cộ mới hoàn thành, đường ĐT744 đi từ TP.Thủ Dầu Một qua các xã Phú An, An Tây của TX.Bến Cát lên Dầu Tiếng thông suốt đã tạo đà phát triển mạnh mẽ công nghiệp và đô thị ngay trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này (Tam giác sắt). Cụ thể là 3 xã An Điền, An Tây, Phú An của TX.Bến Cát có thêm cơ hội phát triển kinh tế; 3 địa phương này vốn đã có các KCN hoạt động ổn định nay lại có thêm động lực để phát triển hơn nữa.
Ông Hàng Vay Chi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Việt Hương chia sẻ với chúng tôi, KCN Việt Hương 2 ra đời từ đầu những năm 2000, đến nay đã thu hút gần 50 dự án trong và ngoài nước đến đầu tư với tổng số vốn gần 400 triệu USD. Ngoài KCN Việt Hương 2, trên địa bàn các KCN Singapore Ascendas Protrade, Mai Trung… cũng lần lượt ra đời; trong đó nổi bật là KCN Singapore Ascendas Protrade, với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD. KCN này chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, công nghiệp phụ trợ - lĩnh vực mà Bình Dương đang ưu tiên mời gọi đầu tư.
Với các KCN nói trên đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương và ngoài tỉnh. Công nghiệp phát triển, các địa phương của TX.Bến Cát không còn phụ thuộc vào cây cao su như trước đây. Dáng dấp đô thị cũng đang hình thành tại các xã vốn thuần nông trước đây như An Tây, Phú An của thị xã. Riêng tại xã Phú An, nhiều khu dân cư mới đã mọc lên; các khu nhà trọ cũng xuất hiện ngày một nhiều, đáp ứng nhu cầu lưu trú của người lao động từ các tỉnh khác về đây làm việc. Chị Nguyễn Thị Tuyết Diệu, quê Tiền Giang chia sẻ, chị đang làm công nhân cho một công ty tại KCN Mai Trung với mức thu nhập 7 triệu đồng/ tháng. Chồng chị làm nhân viên trong Khu du lịch Đại Nam, lương tháng hơn 10 triệu đồng. Vợ chồng chị thuê phòng trọ ở xã Phú An chỉ tốn 600.000 đồng/ tháng; chi phí sinh hoạt ở đây lại rẻ, nên mỗi tháng vợ chồng chị dành dụm được hơn 4 triệu đồng lo con cái học hành và gửi về quê phụ giúp gia đình.
Vùng Tam giác sắt hôm nay, hệ thống giao thông được thông suốt, nối Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường tạo lực Vành đai 3, 4. Bên cạnh đó, nhờ lợi thế có sông Sài Gòn và sông Thị Tính bao bọc, thuận tiện phát triển giao thông đường thủy, vùng Tam giác sắt với 3 xã An Điền, An Tây, Phú An được hưởng lợi rất nhiều từ quá trình phát triển công nghiệp của TX.Bến Cát
Có thể thấy, chiến lược phát triển các KCN về phía bắc của tỉnh đã tạo đà cho công nghiệp TX.Bến Cát phát triển mạnh mẽ, lan tỏa đến khắp các xã, phường. Sự thành công trong phát triển công nghiệp của Bến Cát còn là quá trình hàng chục năm chuẩn bị đón nhận thời cơ của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thị xã; là tâm huyết, chắt chiu cơ hội, là tầm nhìn chiến lược của các vị lãnh đạo tỉnh, địa phương được kế thừa và phát huy đúng thời điểm.
Ông Huỳnh Thư Lập, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát cho biết, hiện toàn thị xã có 8 KCN, 1 khu sản xuất tập trung; tổng diện tích gần 4.100 ha. Đến nay, các KCN trên địa bàn cơ bản đã được lấp đầy diện tích. Thị xã đã thu hút 3.249 dự án đầu tư, trong đó có 2.679 dự án đầu tư trong nước với số vốn đầu tư gần 28.000 tỷ đồng và 570 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 6,1 tỷ USD. Các KCN trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho hơn 150.000 lao động. Quan điểm thu hút đầu tư của thị xã là hạn chế thu hút mới các dự án công nghiệp gia công, sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Thị xã tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…
Kỳ cuối: Đô thị trẻ, năng động
PHÙNG HIẾU