Nằm ở phía bắc của huyện Bàu Bàng, là điểm cuối cùng của địa phận tỉnh, xã Trừ Văn Thố ngày nay đẹp đẽ, sôi động như một bức tranh nhiều màu sắc. Vùng quê Trừ văn Thố giờ đây bừng sáng lên với một sức sống mới, diện mạo mới. Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu liên tục của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã.
Các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn xã Trừ Văn Thố thăm và tặng quà cho gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Chú trọng công tác an sinh xã hội
Trước đây xã Trừ Văn Thố là xã thuần nông với xuất phát điểm thấp, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng không vì khó khăn mà ỷ lại, những năm qua, chính quyền và nhân dân xã Trừ Văn Thố đã đồng lòng vượt qua gian khó và vươn lên. Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thay đổi rõ rệt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Trừ Văn Thố, cho biết: “Khi diện mạo nông thôn được đổi mới, đồng nghĩa với việc đời sống nhân dân phải đi lên. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp phát triển kinh tế, vấn đề an sinh xã hội (ASXH) cũng được địa phương quan tâm và chú trọng thực hiện. Đặc biệt, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công tác này lại được chúng tôi đặt lên hàng đầu”.
Các chính sách ASXH ngày càng được xã thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực để tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng nhiều hơn về văn hóa, y tế và giáo dục. Hệ thống các dịch vụ xã hội được quan tâm phát triển. Bên cạnh đó, các phong trào “Tương thân tương ái”, “Đền ơn đáp nghĩa”… cũng đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao ASXH cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong công tác giảm nghèo, UBND xã đã tập trung thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án của cấp trên và huy động nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát, 100% hộ có nhà từ cấp 4 trở lên. Số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm dần qua các năm. Hàng năm, UBND xã phối hợp với các đoàn thể tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi thường xuyên đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng…
Mặt khác, chính quyền địa phương đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình kinh tế có giá trị đã ra đời và được nhân rộng, như: Tổ hợp tác trồng ổi lê Đài Loan và tổ liên kết chăn nuôi bò, tổ liên kết trồng cây ăn trái, tổ liên kết trồng rau sạch đạt chuẩn VietGAP…
Phát huy sức dân
Những năm qua, phong trào hiến đất xây dựng trường học, làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ các chương trình ASXH đang trở thành điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển của xã Trừ Văn Thố. Nơi đây có những ngôi trường, con đường… lần lượt được mọc lên từ chính sức dân. Tất cả đều được vun đắp từ cái nghĩa, cái tình của những người dân chân chất nơi đây.
“Cho không” mảnh đất hơn 5.000m2 để xây dựng trường học không phải ai cũng sẵn lòng, ấy mà gia đình anh Đặng Thanh Tuấn ở ấp 4 đã thực hiện điều đó một cách nhẹ nhàng. Khi tiếp chuyện chúng tôi, anh Tuấn cười nói: “Không có gì lớn lao cả đâu, đây cũng là chuyện bình thường thôi. Gia đình chúng tôi cũng mong muốn đóng góp một chút sức lực để cùng địa phương xây ngôi trường mới khang trang, thoáng mát phục vụ cho con em trên địa bàn xã mà thôi”.
Được biết, hiện tại đất đã được bàn giao cho chính quyền địa phương, chờ xong xuôi mọi thủ tục sẽ tiến hành xây dựng trường. Không những hiến đất làm trường, gia đình anh Tuấn còn hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa, xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Phán ở ấp 1, là hộ gia đình đã hiến 190m2 đất mặt tiền đường ĐT750 để chính quyền địa phương xây dựng địa điểm luyện tập bóng bàn cho người dân. Nơi này cũng được sử dụng làm chốt dân phòng để lực lượng chức năng trực bảo vệ an ninh trật tự trong các đợt cao điểm. Khi được chúng tôi hỏi nguyên nhân hiến đất, ông Phán cười hiền rồi nói: “Nếu việc hiến đất của tôi mà giúp ích được cho địa phương thì tôi luôn sẵn sàng. Chỉ mong nhìn thấy xã nhà ngày càng phát triển hơn, giàu đẹp hơn”.
Truyền thống đoàn kết, sự đồng thuận của nhân dân trong xã và những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua sẽ là động lực để Trừ Văn Thố tiếp tục vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa, qua đó cùng góp sức xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng phát triển giàu mạnh.
HỒNG PHƯƠNG