Tấc đất… tấc vàng!

Cập nhật: 08-08-2018 | 10:42:02

Cả một đời làm lụng vất vả, tài sản ông Nguyễn Văn T. để lại cho các con mình là một mảnh đất gần 5.000m2 tại TX.Bến Cát. Do ông mất đột ngột không để lại di chúc, nên phát sinh tranh chấp gay gắt giữa anh em với nhau.

Ông T. có 4 người con trai và 1 người con gái là bà Nguyễn Lê S. Bà S. theo chồng đi làm ăn xa, ít khi về nhà. Còn 4 người anh đều lập gia đình và sinh sống trên mảnh đất mà cha mình gầy dựng. Khi ông mất đi, các anh con trai đi làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất đối với phần đất nêu trên, hồ sơ đã hoàn thành và chờ cấp sổ.

Nghe tin các anh mình làm thủ tục sang tên mảnh đất nhưng không có phần mình, bà S. gửi đơn khiếu nại tranh chấp di sản thừa kế đến chính quyền địa phương. Tại buổi hòa giải, bà S. được các anh đồng ý chia cho một phần đất 120m2. Tuy nhiên, phần di sản của ông T. để lại đã được tiến hành đo vẽ và làm thủ tục sang tên cho các anh của bà. Do đó, nếu lập thỏa thuận phân chia di sản chia thêm cho bà S. thì phải làm lại hồ sơ từ đầu, nên tất cả đều thống nhất sẽ ký văn bản thỏa thuận phân chia di sản như ban đầu. Phần đất của bà S. nằm trong sổ của người anh cả là ông Nguyễn Lê V. thì sẽ làm thủ tục tách sổ sau. Nhưng sau khi ông V. được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận trong buổi hòa giải.

Do đó, bà S. khởi kiện anh mình về tranh chấp di sản thừa kế đối với phần đất này. Ông V. không thừa nhận việc mình đồng ý chia cho bà S. phần đất 120m2, mà chỉ thỏa thuận miệng cho bà 50 triệu đồng!?. Trước yêu cầu khởi kiện của bà S., ông V. không đồng ý; chỉ đồng ý giao số tiền 50 triệu đồng như đã thỏa thuận trước đây!

Trong quá trình thẩm vấn, thu thập chứng cứ, Hội đồng xét xử xét thấy có căn cứ chấp nhận đơn khởi kiện của bà S., vì ông V. thỏa thuận chia đất cho bà S. là có thật, điều này thể hiện rõ trong các biên bản hòa giải, biên bản lấy lời khai… Ông không thừa nhận việc đồng ý cho đất mà chỉ cho 50 triệu đồng là hoàn toàn mâu thuẫn với thỏa thuận ban đầu được ghi nhận tại các buổi hòa giải. Bà S. là đồng thừa kế nên được hưởng mọi quyền lợi như các anh của mình. Việc bà đồng ý nhận tài sản với phần diện tích nhỏ hơn phần các anh được hưởng là do sự thỏa thuận, tự nguyện của đôi bên nên tòa không xem xét! Vì vậy, việc bà S. kiện đòi quyền lợi của mình là hoàn toàn chính đáng nên được chấp nhận. Buộc ông V. phải thực hiện việc tách sổ, chia đúng phần diện tích như thỏa thuận ban đầu cho bà! Phần đất bà S. được hưởng chỉ là một phần nhỏ trong hơn 3.000m2 mà ông V. được hưởng, vậy mà sự việc kéo dài từ năm này sang năm khác khiến bà S. mệt mỏi. Lấy được đất cũng là lúc tình cảm anh em họ bị vơi đi ít nhiều!

THỦY TRINH

Chia sẻ bài viết
30 NĂM TRƯỚC ĐẤT KHÔNG ĐƯỢC GIÁ NHƯ BÂY GIỜ.THỜI ĐÓ CHỈ CÓ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THU NHẬP CHẲNG BAO NHIÊU.NGÀY NAY VỚI VỚI ĐÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ CỦA TỈNH LÀ TẬP TRUNG VÀO CÔNG NGHIỆP KÉO THEO ĐẤT SX GIỜ LÊN GIÁ GẤP NHIÊU LẦN VÌ CÓ THÊ MỞ NHÀ TRỌ CHO CÔNG NHÂN THUÊ , MỞ KHO XƯỞNG...5000M2 CỦA CHA CHIA CHO 5 NGƯỜI CON NHƯNG EM GÁI CỦA MÌNH CHỈ ĐƯỢC HƯỞNG 120M2 THÔI.THẾ MÀ NGƯỜI ANH VẪN CÒN LẬT LỌNG CHE TRƯỚC GIẤU SAU NHƯNG RỒI CŨNG BỊ TÒA PHÁT HIỆN.BLDS 2015 CŨNG CÓ QUY ĐỊNH NGƯỜI KHAI GIAN NHẰM HƯỞNG TÀI SẢN THỪA KẾ SẼ BỊ TƯỚC QUYỀN HƯỞNG DI SẢN.TRONG TRƯỜNG HỢP NẦY NGƯỜI EM GÁI KHÔNG CÓ TRONG DANH SÁCH HƯỞNG DI SẢN VÌ ĐÃ Ở XA NHÀ LÀ VI PHẠM BỘ LUẬT TRÊN
HỨA VĂN SANG (Cách đây 6 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=311
Quay lên trên