Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ ánh sáng của nghị quyết đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân ở Bình Dương, tạo nền tảng vững chắc để bước sang giai đoạn phát triển mới.
Nông dân là chủ thể
Tại Bình Dương, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, có thể thấy sự thay đổi vượt bậc của “tam nông” trên địa bàn tỉnh. Nông nghiệp có bước tăng trưởng khá toàn diện, với nền sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện; bộ mặt nông thôn khởi sắc từng ngày. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế nông thôn phát triển, cùng với sự quan tâm đầu tư từ ngân sách và sự tích cực hưởng ứng của nhân dân nên quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn diễn ra nhanh chóng. Cuối năm 2019, Bình Dương đã cán đích mục tiêu 46/46 xã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM.
Thu hoạch nông sản tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo)
Nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Để thực hiện mục tiêu đó, Bình Dương chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đó diện mạo các vùng nông thôn chuyển biến rõ nét. Những con đường được nâng cấp, mở rộng thẳng tắp nối liền các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn; những ngôi nhà mới khang trang cùng với hàng loạt các công trình phúc lợi dân sinh như chợ, trường học, trung tâm y tế, các thiết chế văn hóa… đã được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao mức thụ hưởng về vật chất lẫn tinh thần cho người dân nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện, vùng nông thôn đổi thay mạnh mẽ, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn.
Đặc biệt, nông dân Bình Dương đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn. Theo thống kê, nhiều năm liền, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng trưởng không ngừng; riêng năm 2021, đạt 71 triệu đồng/người/năm (cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước, chỉ ở mức gần 42 triệu đồng/người/năm).
Nông nghiệp công nghệ cao
Từ nền nông nghiệp chuyên canh, lạc hậu, đến nay Bình Dương trở thành một trong những tỉnh, thành đi đầu trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Theo thống kê, hiện Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước. Năng lực chăn nuôi công nghệ cao được đánh giá thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Từ thực tế thời gian qua có thể khẳng định, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang và sẽ là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp; thay đổi diện mạo và nâng tầm phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%.
Một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp của tỉnh là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trọng tâm của định hướng này là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể là tăng cường nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Đặc biệt, thông qua các chính sách khuyến khích, Bình Dương nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò chủ lực trong phát triển sản xuất công nghệ cao tạo ra những đột phá rõ nét cho ngành nông nghiệp.
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nghị quyết về “tam nông” cũng còn gặp không ít khó khăn. Đó là với tốc độ tăng trưởng của tỉnh đã đẩy chi phí các nguồn lực nông nghiệp gia tăng nhanh chóng; nhiều nông dân bỏ vụ canh tác; liên kết 4 nhà “Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học” vẫn chưa xứng tầm... Vì vậy, để tiếp tục tạo bước chuyển mới về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần có những giải pháp căn cơ để hướng đến phát triển bền vững. Cụ thể, cần đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất; quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho vùng nguyên liệu; thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử; xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình Làng thông minh. Tiếp đó là phát triển thị trường trong và ngoài nước bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân…
THU THẢO