Qua khảo sát tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến nay cho thấy, mặc dù số vụ NĐTP không tăng nhưng số lượng người mắc, diễn biến và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Do đó, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm, Chi cục An toàn vệsinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã đềnghị ngành y tế các địa phương và ban ngành liên quan cần tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa NĐTP…
Tuyên truyền bảo đảm ATTP góp phần tích cực phòng chống NĐTP. Ảnh: H.THUẬN
Từ thực trạng...
Kết quả khảo sát của Chi cục ATVSTP tỉnh cho thấy, cơ sở xảy ra NĐTP trong thời gian qua chiếm đa phần là các bếp ăn tập thể trường học, nhà máy, xí nghiệp (chiếm 83,3%). Nguyên nhân gây NĐTP chủ yếu là do vi sinh vật (chiếm 66,7%). Các vụ NĐTP xảy ra tập trung vào thời điểm giao mùa tháng 5, 6 và tháng 11, 12 (chiếm 88,9%).
NĐTP thường xảy ra vào các bữa ăn chiều hoặc bữa ăn tối (thời điểm tăng ca), chiếm tỷ lệ 55,6%. Nguyên nhân chủ yếu là thực phẩm nguội (bún, bì, chả, rau sống...) hoặc thực phẩm không được hâm nóng lại trước khi sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, qua điều tra, các vụ NĐTP xảy ra chủ yếu tại các bếp ăn tập thể, nhà ăn chưa được kiểm tra, hướng dẫn về ATTP như chưa thực hiện ký cam kết không để xảy ra NĐTP, chưa được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, người nấu ăn chưa có giấy xác nhận kiến thức về ATTP.
Một điều đáng ghi nhận nữa là, nguồn nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể chủyếu được cung cấp từ những tỉnh lân cận, các chợ tự phát và chưa được kiểm soát về ATTP. Do đó, khi xảy ra ngộ độc, việc điều tra nguồn gốc, xuất xứ thường mất dấu, không truy nguyên được nguồn gốc để có biện pháp thu giữ, ngăn chặn sử dụng.
Đó là chưa kể cách sơ chế, chế biến thực phẩm, thời gian bảo quản và vận chuyển thực phẩm đã qua chế biến không bảo đảm an toàn. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn từ huyện, thị này vận chuyển suất ăn đến doanh nghiệp tổ chức bữa ăn cho công nhân ở huyện, thị khác; một số cơ sở chưa có xe chuyên dùng để chở suất ăn chế biến sẵn...
...Đến giải pháp
Trước thực trạng trên, để chủ động bảo đảm ATTP, phòng chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm trong thời gian tới, một trong những biện pháp mà Chi cục ATVSTP tỉnh đưa ra là tăng cường thông tin, tuyên truyền về ATTP, phòng chống NĐTP, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, các địa phương, các ban ngành liên quan cần tập trung truyền thông những biện pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa NĐTP và bệnh truyền qua thực phẩm; vận động, khuyến khích các trường học, nhà máy, xí nghiệp… hạn chế cho học sinh, người lao động sử dụng thực phẩm nguội (bún, bì, chả, rau sống...), đặc biệt là những bữa ăn tăng ca vào buổi chiều hoặc buổi tối.
Song song với các biện pháp trên, cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; việc chấp hành các quy định về ATTP tại các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, trường học, trường mẫu giáo, mầm non.
Các cơ sở vi phạm bị phát hiện sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các hành vi, các cơ sở và sản phẩm vi phạm quy định ATTP sẽ được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng biết.
Để bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, ngoài các giải pháp trên cần phát huy vai trò của Tổ tự quản ATTP tại các đơn vị.
Tổ tự quản ATTP cần tăng cường kiểm soát ATTP đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể trong trường học, nhà máy, xí nghiệp... theo hướng dẫn tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 5-12-2012 của Bộ trưởng Bộ Y tếvề quy định điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.
Nếu các địa phương tổ chức tốt các biện pháp trên thì việc tổ chức bữa ăn cho học sinh, người lao động tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ và tình trạng NĐTP trong thời gian tới sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
CẨM LÝ