Đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ do Phó trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng (thứ tư, trái) làm Trưởng đoàn làm việc với Đoàn đại biểu Bộ Tôn giáo Indonesia.
Ngày 8/9, Đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ do Phó Trưởng ban Nguyễn Tiến Trọng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Bộ Tôn giáo Indonesia do Giám đốc Cơ quan Đảm bảo Sản phẩm Halal (BPJPH) Muhammad Aqil Irham làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng cho biết ước tính có khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó trên 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước, khoảng 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc và hơn 29.000 cơ sở thờ tự.
Là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, thực hiện bình đẳng và đoàn kết các tôn giáo.
Tới nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận tổ chức tôn giáo và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo; tạo điều kiện mở 62 trường đào tạo tôn giáo với nhiều loại hình đào tạo; nhiều cơ sở thờ tự được xây mới và tu tạo sửa chữa. Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng.
Về cộng đồng Hồi giáo, ông Nguyễn Tiến Trọng cho hay Hồi giáo Việt Nam có hai dòng là Hồi giáo Islam và Hồi giáo Bàni, trong đó đại đa số tín đồ là người dân tộc Chăm với trên 81.000 người phân bố ở 13/63 tỉnh và thành phố, gần 1.000 chức sắc, chức việc và 90 cơ sở thờ tự.
Về mặt tổ chức, đã có sáu tổ chức Hồi giáo được Nhà nước Việt Nam công nhận ở cấp tỉnh, thành phố, bao gồm bốn tổ chức Hồi giáo Islam ở Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận và hai tổ chức Hồi giáo Bàni ở Ninh Thuận và Bình Thuận.
Tín đồ Hồi giáo ở Việt Nam có mối quan hệ đa dạng với thế giới Hồi giáo. Đặc biệt, mối quan hệ của cộng đồng Hồi giáo Việt Nam với cộng đồng Hồi giáo Indonesia không chỉ ở yếu tố tôn giáo, mà còn có sự tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ. Học sinh Hồi giáo Việt Nam sang học tập tại Indonesia khi về nước có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, ông Nguyễn Tiến Trọng bày tỏ hy vọng rằng Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Tôn giáo Indonesia tiếp tục chia sẻ thông tin về tình hình tôn giáo, chính sách, pháp luật về tôn giáo của mỗi nước; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tôn giáo, nhất là Hồi giáo, hội nhập và phát huy vai trò của mình trong việc kiến tạo xã hội ngày càng ổn định và tốt đẹp và vì một cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng.
Đoàn cũng đề nghị phía bạn tiếp tục giúp đỡ, cử Imam sang Việt Nam hướng dẫn, tập huấn cho chức sắc, tín đồ Hồi giáo, cũng như hỗ trợ về vật chất, trao học bổng đào tạo các ngành khoa học cho các tín đồ Hồi giáo Việt Nam.
Thay mặt Bộ Tôn giáo Indonesia, Giám đốc Cơ quan Đảm bảo Sản phẩm Halal Muhammad Aqil Irham trao quà lưu niệm cho Đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ.
Về vấn đề Halal, Đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị phía Indonesia tăng cường khả năng hợp tác, giúp đỡ đối với việc xây dựng bộ tiêu chuẩn Halal, việc công nhận chứng chỉ Halal và quản lý nhà nước đối với chứng nhận Halal nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm Halal của Việt Nam sang thị trường Indonesia.
Thay mặt Bộ Tôn giáo Indonesia, ông Muhammad Aqil Irham cho biết Indonesia có sự đa dạng về tôn giáo và sắc tộc nhưng quốc gia này luôn đảm bảo sự hòa hợp các tôn giáo, đồng thời khẳng định Indonesia và Việt Nam có sự tương đồng về sự hòa hợp tôn giáo và chính sách tôn trọng tự do tôn giáo.
Cho tới nay, Indonesia đã chính thức công nhận 5 tôn giáo. Một trong năm nguyên tắc của Indonesia là đảm bảo sự hòa hợp các tôn giáo, do đó quốc gia này chú trọng xử lý các mối quan hệ giữa các tôn giáo và giữa người có tôn giáo với người có tín ngưỡngtruyền thống.
Thông tin về việc cơ quan nhà nước Indonesia có sự hỗ trợ về tài chính để tín đồ Hồi giáo đi hành hương về thánh địa Mecca, ông Irham cam kết Jakarta sẽ xem xét khả năng hỗ trợ tín đồ Hồi giáo Việt Nam hành hương tới Mecca.
Phía Indonesia cũng nhất trí tăng cường quan hệ giữa Hồi giáo hai nước thông qua việc trao đổi về giáo lý, nghi lễ giữa chức sắc Hồi giáo, và hoạt động đào tạo.
Cuối cùng, phía Indonesia tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực Halal, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước./.
Theo TTXVN