Tăng cường quản lý ngành chăn nuôi

Cập nhật: 04-01-2016 | 07:59:48

Chi cục Thú y tỉnh vừa tổ chức tổng kết Đề án “Tăng cường hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành thú y - chăn nuôi tỉnh Bình Dương” giai đoạn 2011 - 2015 (đề án). Qua 5 năm thực hiện đề án cho thấy sự quyết tâm của tỉnh Bình Dương trong việc quản lý chặt chẽ, đưa ngành chăn nuôi vào nề nếp và luôn quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngành nông nghiệp của tỉnh đang tăng cường quản lý ngành chăn nuôi. Trong ảnh: Cán bộ thú y đang kiểm tra tại một cơ sở giết mổ ở xã An Điền, TX.Bến Cát. Ảnh: Q.NHIÊN

Nỗ lực của ngành thú y

Đề án ra đời vào tháng 12- 2011. Mục tiêu của đề án là nâng cao năng lực quản lý nhà nước của toàn hệ thống, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống xã hội của địa phương. Tổng kinh phí thực hiện đề án gần 5,8 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả đã đạt được, lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết, thành công lớn nhất của đề án là đã củng cố mạng lưới giám sát dịch bệnh từ huyện đến xã. Đối với cấp tỉnh, ngành đã giao phòng dịch tễ làm đầu mối theo dõi dịch tễ và quản lý mạng lưới, số liệu dịch tễ. Hệ thống chẩn đoán cũng đã được xây dựng từ tỉnh đến huyện, xã trên cơ sở phân cấp chẩn đoán phù hợp yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chính vì thế, trong giai đoạn 2011-2015, dịch bệnh xảy ra tại tỉnh Bình Dương tương đối ít, chủ yếu xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Bên cạnh đó, năng lực quản lý nhà nước trong công tác chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được nâng tầm; công tác kiểm dịch động vật, thủy sản, kiểm soát giết mổ ngày càng được quản lý chặt chẽ. Ngành thú y cũng đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu dịch tễ, nối mạng từ tỉnh đến huyện, xã và đang dần hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu chăn nuôi, dịch tễ.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được tỉnh định hướng theo hướng tập trung. Trong thời gian tới, trách nhiệm của ngành thú y tỉnh rất nặng nề, phải nỗ lực rất nhiều để giúp cho ngành chăn nuôi của Bình Dương cùng hợp sức với cả nước bảo vệ thị trường trong nước. Bước đi quyết định cho việc gìn giữ thị trường nội địa chính là cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với ngành chăn nuôi.

 

Hiện Bình Dương là địa phương cung cấp gia súc, gia cầm với số lượng lớn cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn trang trại chăn nuôi quy mô; số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát cũng chiếm số lượng khá lớn. Bên cạnh đó, Bình Dương còn là địa phương trung chuyển gia súc, gia cầm, thịt thủy hải sản... từ các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Qua đó cho thấy, khối lượng công việc rất lớn mà cán bộ, nhân viên ngành thú y trong tỉnh phải nỗ lực hết mình để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh chia sẻ, với đặc thù của ngành nên rất khó tuyển chọn nhân sự. Điều đáng mừng là trình độ chuyên môn của cán bộ chuyên trách ngày càng được nâng cao. Trong khi đó, mặc dù kinh phí hoạt động còn hạn hẹp nhưng tỉnh vẫn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngành như: xe chuyên dùng phục vụ cho công tác phòng chống bệnh; xe chở vắc-xin, hóa chất, bệnh phẩm…; phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ công tác xét nghiệm, chẩn đoán dịch bệnh...

Bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững

Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh nhìn nhận, ngoài những kết quả mà ngành đạt được trong 5 năm qua, cũng còn tồn tại một số hạn chế như: Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở vẫn còn bất cập; quy định về khen thưởng và xử phạt chưa thật sự phù hợp; hơn 10.000 quyển sổ quản lý chăn nuôi đã cấp phát giúp cho việc theo dõi tình hình số lượng chăn nuôi, dịch bệnh, kết quả tiêm phòng, tiêu độc được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn chưa phủ sóng hết các trang trại chăn nuôi lớn và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ...

Để khắc phục những hạn chế này trong năm 2016, ông Cường cho rằng, các trạm thú y cần nhanh chóng xây dựng dự toán năm 2016, vì phải có kinh phí mua sắm, sửa chữa tại các chốt kiểm dịch theo chủ trương của tỉnh đã được phê duyệt thì công tác quản lý mới ngày càng chặt chẽ. Trong giai đoạn 2016- 2020, nhiệm vụ lớn nhất của ngành là xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và niu-cát-xơn đối với gà nhằm đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh của Tổ chức Thú y thế giới (OIE); qua đó bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ số lượng đàn chăn nuôi, ngành thú y cũng sẽ nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, giết mổ để từng bước hoàn thiện các vùng an toàn cho ngành chăn nuôi của tỉnh; đồng thời tới đây việc xây dựng những xã nông thôn mới sẽ gắn liền với vùng an toàn.

Tới đây, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú ý trong chăn nuôi hạn chế tối đa những tác hại đối với môi trường, hình thành vùng cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngành cũng tham mưu cho tỉnh giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà, những khoản phí bất hợp lý trong ngành chăn nuôi, qua đó giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiền bạc… để đủ sức cạnh tranh với các nước, khi ngành chăn nuôi của nước ta mở cửa để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết
Tags
Đề án

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên