Tạo động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững

Cập nhật: 09-10-2020 | 19:22:26

Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các cấp, các ngành luôn thực hiện những chính sách thông thoáng, ưu đãi, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp (DN) nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Tetra Park, KCN VSIP II

Doanh nghiệp được tạo điều kiện

Nhiều năm qua, Bình Dương luôn chủ động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích DN đầu tư và đổi mới, sáng tạo. Với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị - dịch vụ làm tiền đề xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh (TPTM), kinh tế tỉnh nhà 5 năm qua tiếp tục có những bước tiến vững chắc. Bình Dương cũng luôn đồng hành cùng cộng đồng DN, nhằm tạo cơ chế, động lực để DN phát triển bền vững và vươn lên mạnh mẽ.

Trong 5 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng DN, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 535.585 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 14,48%, v ốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm 38,87% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 46,65%. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng cao với mức tăng bình quân 9,3%/năm; thu ngân sách tăng 11,2%/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,64%/năm. Giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đặt ra kế hoạch phấn đấu thu hút 7 tỷ USD vốn FDI. Kết quả, tỉnh đã thu hút hơn 11 tỷ USD.

Bình Dương triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới DN nhà nước theo đúng quy định, các tổng công ty thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn theo đúng lộ trình. Hiệu quả hoạt động của DN nhà nước và DN sau cổ phần hóa được nâng lên. Đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1 DN 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh đại diện chủ sở hữu và 1 DN 100% vốn của Đảng. Kinh tế tập thể luôn được tạo điều kiện phát triển thuận lợi, không ngừng gia tăng về số lượng, đã hỗ trợ khá tốt cho kinh tế hộ gia đình; xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, kết hợp dịch vụ với kinh doanh tổng hợp.

Cùng với sự phát triển của công nghiệp, thương mại - dịch vụ, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị luôn được địa phương quan tâm. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%; chương trình xây dựng nông thôn mới về đích trước hơn 1 năm so với kế hoạch. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt 155,7 triệu đồng vào cuối năm 2020. Mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 46.000 lao động. Nhiều năm liền không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương.

Nhà đầu tư hài lòng

Để đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, ngoài yếu tố “địa lợi”, thành công của Bình Dương phải kể đến sự quan tâm, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư. Trong nhiều năm qua, cùng với sự năng động trong điều hành thực hiện chủ trương, chính sách về đầu tư, tỉnh đã tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư, DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều hình thức. Trong đó, lãnh đạo thường xuyên quan tâm nắm bắt tình hình các dự án đầu tư, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư trong triển khai dự án. Cùng với đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, không phân biệt đối xử, tạo sân chơi bình đẳng cho các DN, đặc biệt là trong việc tiếp cận các cơ hội đầu tư, kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, chế độ chính sách, các nguồn lực, đất đai, tín dụng... Tỉnh đã thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và đại diện các hiệp hội ngành hàng, DN trên địa bàn để chủ động lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, ngoài nhất quán về phương pháp đổi mới trong thu hút đầu tư, Bình Dương cũng đã tạo nên những đột phá quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”. Cùng với đó, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tạo cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho DN đầu tư và hoạt động tại Bình Dương, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư hạ tầng an sinh xã hội, giúp người lao động tìm về và gắn bó với Bình Dương. Trong 5 năm qua, tỉnh đầu tư mới 92 công trình trường học, tổng vốn gần 5.000 tỷ đồng, gồm 77 công trình vốn ngân sách gần 4.500 tỷ đồng và 15 công trình xã hội hóa trên 500 tỷ đồng, cùng với việc tạo điều kiện cho 80 cơ sở giáo dục ngoài công lập do DN đầu tư.

Hài lòng với môi trường đầu tư tại Bình Dương, ông Sakai Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty Maruchi Sun Steel (TP.Dĩ An) chia sẻ: “Đến đầu tư tại Bình Dương từ năm 2006, công ty luôn được các cấp chính quyền hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển. Sau 15 năm hoạt động tại Bình Dương chúng tôi đã thấy cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn thiện, thuận lợi hơn. Đội ngũ cán bộ công ty luôn nỗ lực làm tạo ra sản phẩm chất lượng cho xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Những phản ánh của nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan sẵn lòng hỗ trợ, giải đáp, đồng thời luôn chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN hợp tác, đầu tư, cùng phát triển thịnh vượng”.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết trong thời gian tới, cùng với thu hút đầu tư chất lượng cao, tỉnh tăng cường phát triển về logistics, hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị, hạ tầng công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN và người dân đầu tư phát triển kinh tế, từng bước tạo nền tảng chuyển sang nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đón đầu làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những gì Bình Dương làm đều hướng đến trở thành TPTM, hướng đến gia tăng giá trị DN, nâng cao chất lượng sống của nhân dân”. q

- Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho biết sở đã phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ tối đa cho DN để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh. Sở KH&ĐT đã rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN bằng cách bãi bỏ nhiều thủ tục, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện, hỗ trợ đăng ký DN tại nhà, thậm chí tại các quốc gia khác đối với DN đầu tư nước ngoài.
- Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Bình Dương luôn chú trọng xây dựng cộng đồng DN vững mạnh. Tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào thực tế sản xuất.
- Bình Dương hiện có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000ha, chiếm 1/4 diện tích KCN miền Nam. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Lũy kế đến ngày 30-6-2020, toàn tỉnh có 45.493 DN với tổng vốn đăng ký đạt 394.500 tỷ đồng. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đến 30-6- 2020 là 3.865 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,93 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương hiện đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI. Nguồn vốn chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=527
Quay lên trên