Một trong những điều yêu thích của những cô bé là được nghe chuyện cổ tích và tưởng tượng mình là nàng tiên xinh đẹp. Chúng ta hoàn toàn có thể biến giấc mơ này trở thành hiện thực bằng cách tạo ra một không gian cổ tích cho bé yêu.
Trên thực tế, chỉ cần biết cách thiết kế, trang trí và quyết định chủ đề của căn phòng, sau đó lắp đặt và mua sắm những thứ cần thiết, không gian phòng sẽ trở nên cực kỳ sống động. Trang trí những căn phòng trẻ em như thế không chỉ mang lại những câu chuyện cổ tích mà còn tạo ra không gian vui vẻ và nhẹ nhàng. Những ý tưởng dưới đây sẽ giúp bạn tạo một không gian cổ tích như vậy cho bé gái.
Lựa chọn vị trí đặt phòng riêng của bé
Một không gian yên tĩnh là tiêu chuẩn hàng đầu khi thiết kế phòng trẻ em. Phòng cho bé gái phong cách cổ tích thì tiêu chuẩn này cũng cần phải tuân thủ. Theo đó, không nên đặt phòng của bé ở nơi ồn ào như gần phòng khách, gara… vì như vậy bé sẽ rất khó đi vào giấc ngủ hoặc dễ bị giật mình vì những tiếng động mạnh. Cửa phòng của trẻ không nên thiết kế đối diện với phòng vệ sinh. Phòng của trẻ phải là nơi thoáng đãng, mát mẻ, có độ sáng vừa phải. Không nên lựa chọn vị trí phòng cho con ở nơi quá tối hoặc quá sáng vì như thế ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ cũng như sức khỏe của bé.
Lựa chọn vị trí đặt giường ngủ cũng không kém phần quan trọng. Gường ngủ của bé không nên kê trực diện với cửa sổ vì đó là nơi tận thu ánh sáng khiến giấc ngủ của bé bị gián đoạn. Đặc biệt, khi cho bé ngủ không nên đặt bé trong tư thế “đối đầu” với bức tường của phòng tắm, nhà vệ sinh.
Với việc bố trí góc học tập thì khi mua bàn học cho con bố mẹ cần chú ý tới độ cao. Bố mẹ cần để ý độ cao phù hợp giữa bàn và ghế với chiều cao của con, tránh trường hợp ghế quá thấp trong khi bàn quá cao hoặc ghế quá cao, mặt bàn lại thấp. Nếu có thể nên bố trí bàn học cạnh cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên. Trong trường hợp phòng chật, bố mẹ cần chú để tận dụng các góc nhà.
Mua sắm và sắp đặt nội thất
Trong phòng của bé gái, bố mẹ cần trang bị đủ những vật dụng cần thiết như giường, bàn ghế, giá sách, tủ quần áo, kệ đựng đồ… Nếu không gian phòng trẻ rộng rãi, bạn có thể thêm cho con một bàn trà gỗ nhỏ để tiện cho con trong quá trình con vui chơi, học tập như con ngồi tập tô, vẽ…
Về chất liệu, hiện nay, lựa chọn đồ nội thất cho con bằng gỗ đang rất được ưa chuộng. Mặc dù giá thành cao hơn đồ nhựa song đồ gỗ đem lại giá trị sử dụng lâu dài. Bạn chỉ cần mua một lần con có thể sử dụng cho tới khi trưởng thành.
Về hình thức, việc trang trí không gian cho trẻ thường chỉ mang tính tạm thời và mau chóng thay đổi theo thời gian khi tâm sinh lý của trẻ thay đổi. Vì thế, tuy phòng bé gái phong cách cổ tích rất chú trọng các yếu tố thiết kế cầu kì nhưng bố mẹ nên tránh “đóng khung” không gian cho trẻ bằng những hình thức trang trí kiên cố, nặng nề, phức tạp sẽ gây khó khăn và tốn kém về sau khi bé lớn. Bố mẹ nên giúp con lựa chọn các sản phẩm nội thất cho bé có hình dáng đơn giản, không quá cầu kỳ.
Về kích thước, bố mẹ nên chọn kích thước trung bình để khi bé bước chân vào cấp một cho đến khi sang cấp 2 hoặc thậm chí cấp 3 vẫn có thể sử dụng được. Kích thước của giường thường là 1,2m x 2m, của tủ quần áo là: 1,2m x 1,9m, của bàn học là 1m x 75cm.
Về màu sắc, tất nhiên bạn cần tham khảo ý kiến của con để có thể lựa chọn màu sắc các sản phẩm nội thất cho phù hợp. Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng không nên sử dụng các gam màu tối vì nó khiến không gian phòng trẻ u ám, nặng nề. Gam màu lựa chọn cho phòng của bé nên là gam màu sáng, gam màu nóng ấm… thể hiện sự vui nhộn, hiếu động. Điều này sẽ tác động tích cực đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ cũng như tạo cảm giác thích thú, hưng phấn khi bé bước vào căn phòng của mình. Khi muốn kết hợp màu sắc, bạn nên chọn những gam màu tương đồng với nhau như xanh lá cây và xanh da trời, hồng và vàng hoặc trắng và màu be...
Màu sắc và ánh sáng trong phòng
Tường nhà bạn nên sơn màu hồng nhạt hoặc màu trắng sữa. Hoặc có thể sử dụng giấy dán tường với các màu sắc, hình ảnh bé thích hoặc theo chủ đề Bạch Tuyết, Cinderella hay công chúa tóc dài Rapunzel vui vẻ để làm nổi bật cho căn phòng của bé. Ngoài ra, bé rất hiếu động, cấm trẻ không được vẽ bậy lên tường nhà là điều rất khó. Vì thế, bạn cần bố trí một khoảng để treo bảng hoặc có thể sử dụng một khoảng tường để bé có thể tự do phóng túng nét bút của mình. Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng các loại sơn tường nhà có thể lau chùi được.
Trong phòng trẻ vẫn phải sử dụng hai hệ thống đèn chiếu sáng. Chiếu sáng cục bộ (bàn học, đèn ngủ) và chiếu sáng tổng (cho cả phòng). Các mạch điện hay ổ cắm nên bố trí bên ngoài phòng trẻ hoặc ở ngay cửa ra vào, độ cao vừa phải để tránh xa tầm với của trẻ khi còn quá nhỏ.
Cửa sổ là nơi tận dụng ánh sáng mặt trời, giúp điều hòa không khí trong phòng bé một cách hài hòa, thông thoáng. Tuy nhiên, khi thiết kế cửa sổ trong phòng trẻ, bố mẹ không nên xây cửa sổ quá rộng và họa tiết trang trí quá cầu kỳ, thiết kế phức tạp. Để đảm bảo an toàn cho bé, xung quanh cửa sổ không kê bàn hay ghế để trẻ có thể leo lên dễ dàng. Cửa sổ cần được xây ở một độ cao nhất định và những thanh chắn phải đủ hẹp để trẻ không thể chui qua được.
Rèm cửa cần thiết kế đơn giản, tránh dùng những loại rèm cửa quá dài trong phòng trẻ. Các loại mành sáo (ngang và dọc), và các loại rèm vải ngắn là những sự lựa chọn hợp lý nhất. Vải có nhiều hoa văn sặc sỡ, trùng với những đồ vật khác trong phòng như gối, chăn đệm, chụp đèn… là lý tưởng nhất.
Theo CafeLand.vn