Tết trên những “ngôi nhà giữ biển” – Kỳ 2

Cập nhật: 30-01-2019 | 09:48:39

Kỳ 2: Vượt lên sóng dữ

Hành trình 1.000 hải lý, tàu Trường Sa 19 đã đưa đoàn công tác đất liền đến thăm, chúc tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ tại 5 nhà giàn, 2 tàu trực trên thềm lục địa phía Nam an toàn trước diễn biến thời tiết phức tạp: biển động cấp 5, cấp 6 do ảnh hưởng của cơn bão số 1 đầu năm 2019 để lại. Trước sóng to, gió lớn, hình ảnh người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam dạn dày kinh nghiệm, bản lĩnh, khéo léo chinh phục thử thách, hiểm nguy vượt lên đầu ngọn sóng để xây dựng vùng biển hòa bình, an toàn và phát triển đã in đậm trong tâm trí của các thành viên trong đoàn.


Tàu trực HQ937 Hải quân Vùng 2 làm nhiệm vụ trên biển.
Ảnh: DUY CHÍ

Lòng quyết tâm cao hơn sóng biển

Tàu neo lại tại bãi Phúc Nguyên suốt đêm để các thành viên lấy lại thăng bằng, làm quen với sóng gió, chuẩn bị cho lễ tượng niệm, thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ vào 9 giờ sáng hôm sau và tiếp tục hành trình trên biển khơi.

Vốn là nhà giáo, đại tá Huỳnh Vĩnh Tuyến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, tâm tình: “Hai giờ sau khi rời cảng, tàu bắt đầu đi vào vùng sóng gió khiến nhiều người trên tàu buồn nôn, say sóng. Tôi cùng các anh em chỉ huy chia nhau cứ 30 phút đến các phòng trên tàu thăm hỏi các thành viên trong đoàn. Tàu càng ra khơi xa, sóng càng to, gió càng lớn, số thành viên theo đoàn bị say sóng tăng dần. Vì lịch sự, khi mình đến thăm chào hỏi, anh em trong đoàn phải đứng lên tiếp chuyện trong lúc không khỏe, tàu lắc lư là không hay, nên tôi bàn với số thành viên trong đoàn còn lại cùng xây dựng và thực hiện Bản tin nội bộ tàu Trường Sa 19. Để ấn tượng đối với mọi người trên tàu là thông báo vừa phát đi trên loa thì hơn 1 giờ sau bản tin đã được phát; số sau hay hơn, chất lượng, chuyên nghiệp hơn số trước. Từ đó, không khí, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, các thành viên trong đoàn phấn chấn, tình cảm hơn, đã đánh tan cơn say sóng ở mỗi người từ lúc nào không biết, dù thời tiết đang diễn biến phức tạp”.


Cờ Tổ quốc có chữ ký các thành viên Đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 được Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) mang tặng cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1.
Ảnh: DUY CHÍ

Nhà báo Phạm An, Đài Tiếng nói Việt Nam, chia sẻ: “Chỉ huy tàu đã tìm đúng thuốc trị say sóng cho anh em trong đoàn, trong đó có tôi. Dù đã 6 lần đi biển, lần nào ra khơi tôi đều say khướt, nhưng lần nào chúng tôi cũng được các anh “chỉ thuốc”. Như lần này, các thành viên trong đoàn đất liền hầu hết là nhà báo, các anh đã gợi đúng tâm lý, thế mạnh, đặc biệt là tên gọi của chương trình đã chạm đúng vào cảm xúc, ký ức của tất cả anh em và đã tạo ra sức mạnh vượt lên sóng cả. Kết thúc hành trình này, tôi tiếp tục tham gia đoàn công tác Hải quân Vùng 3 đến gần tết mới trở về đất liền”.

So với trước đây, hiện nay điều kiện vật chất, phương tiện đi biển đảo của nước ta đã tốt hơn rất nhiều, nhưng biển khơi thì không lúc nào ngưng tiếng sóng. Thượng tá Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân, kể mỗi năm vùng biển này chỉ có khoảng 2 tuần biển êm: là khoảng thời gian giao mùa giữa tháng 3, tháng 4. Những năm đầu xây dựng “nhà trên biển”, điều kiện làm việc của cán bộ, chiến sĩ còn rất giản đơn: Lực lượng công binh đúc sẵn khối bê tông nổi - gọi là poong tông, rồi lai dắt ra đến các vị trí đã chọn, sau đó đánh chìm khối bê tông để dựng nhà lên ở; cứ sóng lớn thì khối bê tông gập ghềnh lắc lư. Chỉ có tinh thần đoàn kết, sự dũng cảm và lòng quyết tâm mới mang lại sự an toàn cho lực lượng làm “nhà trên biển”. Tinh thần đó ngày một phát triển, dần dần hình thành ngôi nhà giàn kiên cố, hiện đại như bây giờ.

Làm chủ đại dương

Nhiều lần tham gia đoàn công tác đến gần hết các đảo nổi, đảo chìm, điểm đóng quân và nhà giàn trên vùng biển nước ta, nhà báo Sơn Lâm, Báo Tuổi Trẻ, kể: “Có lần đi, tôi ở lại trên nhà giàn do bão lớn tàu thuyền không đến gần nhà giàn được. Ở lại với cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn nhiều ngày tôi mới thấy được sự khó nhọc của mình còn quá nhỏ bé so với sự hy sinh, tình cảm của các anh dành cho Tổ quốc. Tối đứng trên nhà giàn nhìn xuống tôi thấy dưới biển sáng rực những ngọn đèn là tàu cá của ngư dân nước ta kéo vào neo đậu gần nhà giàn để trú tránh bão. Hình ảnh đó luôn gợi trong tôi niềm xúc động tự hào khi viết về các anh, người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam”.

Trước khi 2 con tàu cùng xuất phát, đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, cho biết thực hiện nhiệm vụ xây dựng vùng biển Việt Nam hòa bình, an ninh, an toàn, các nhà giàn, tàu trực của chúng ta trên biển là sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, bảo đảm hàng hải... Các nhà giàn, tàu trực còn làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ ngư dân, tàu bè nước ngoài trên biển.

Làm nhiệm vụ quan sát, hỗ trợ lực lượng hải quân, tàu bè hoạt động trên biển, đại úy Đồng Xuân Minh, Trạm trưởng Trạm rada 590 Côn Đảo, thông tin trong năm qua, đơn vị đã phát hiện, theo dõi 778.963 mục tiêu trên không và trên biển. Đơn vị đã kịp thời thông báo về cơ quan chỉ huy theo dõi, hỗ trợ. Thông tin này còn giúp các đơn vị phối hợp làm tốt công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thưong mại...

Là người có nhiều kinh nghiệm đi biển, đại úy Bùi Nguyên Bình, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 19, cho biết khi có dự báo thời tiết xấu, biển động mạnh, tất cả tàu bè được thông báo, hướng dẫn vào bờ, đến nơi an toàn neo đậu nhưng tàu trực, tàu hải quân vẫn ở vị trí làm nhiệm vụ. Con tàu đứng vững hay không là nhờ tính chuyên nghiệp và tinh thần thống nhất một lòng của tất cả các thành viên trên tàu. Có những trận bão lớn, sức gió mạnh hơn vận tốc con tàu, có khi tàu chạy vài giờ đồng hồ rồi nhưng khi xem định vị trên hải đồ thì vị trí con tàu lùi xa vị trí trước đó vài hải lý.

Chỉ tay về phía chiếc tàu đánh cá nhỏ bé tròng trành trên sóng biển, đại úy Bình chia sẻ kinh nghiệm, khi thời tiết xấu tàu lớn, tàu bé ở trên biển không quan trọng, mà quan trọng là sự phối hợp giữa các thành viên trên tàu với nhau. Trong trường hợp gió bão lớn thì máy tàu là trái tim của toàn tàu; trái tim khỏe mạnh con tàu sẽ đạp lên sóng dữ, tiến về phía trước, làm chủ đại dương.

* Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân: Luôn nỗ lực bảo đảm vùng biển hòa bình

Các lực lượng được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển là Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Thời gian qua, các lực lượng đã làm tốt công tác phối hợp, tuyên truyền hướng dẫn người dân chấp hành pháp luật, không đánh bắt, khai thác ngoài vùng biển Việt Nam, cũng như giáo dục, nhắc nhở tàu thuyền, ngư dân nước ngoài khai thác, đánh bắt trái phép tại vùng biển Việt Nam. Hải quân nhân dân Việt Nam còn giao lưu, phối hợp với hải quân các nước bảo đảm môi trường biển hòa bình, trật tự.

* Đại úy Huỳnh Chí Cường, Chính trị viên tàu Trường Sa 19: Làm chủ con tàu, làm chủ đại dương

Biên chế trên một còn tàu gồm nhiều ngành như cơ điện, boong, khí tượng, ra đa, cơ yếu... Thuyền trưởng là người chỉ huy và chịu trách nhiệm chính về con tàu nên có quyền điều phối các ngành cùng phối hợp hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh thuyền trưởng còn có chính trị viên làm nhiệm vụ nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Nếu tinh thần anh em chùng xuống thì chính trị viên phải tìm cách khắc phục, đưa tinh thần anh em đi lên. Và khi tinh thần anh em lên cao quá, chính trị viên phải khéo léo dẫn dắt về vị trí ổn định. Làm chủ được con tàu, chúng ta sẽ làm chủ được đại dương.

 

Kỳ cuối: Nhà giàn đón tết

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=683
Quay lên trên