Thạc sĩ bán trái cây

Cập nhật: 15-06-2019 | 01:26:24

Chị Lê Thị Hạnh (chủ chuỗi cửa hàng Hạnh Nguyên, TP.Thủ Dầu Một) có 20 năm làm việc ở vị trí giám đốc nhân sự của một doanh nghiệp thuộc tập đoàn điện tử Nhật Bản. Hạnh đã có bằng thạc sĩ quản trị, được doanh nghiệp trả lương trên 100 triệu đồng/tháng. Thay vì chọn con đường an nhàn và hưởng thụ, chị đã quyết định khởi nghiệp bằng nghề bán trái cây, theo chị là để được phục vụ nhiều hơn thay vì chỉ phục vụ cho một doanh nghiệp như trước.

 Thạc sĩ Lê Thị Hạnh giới thiệu món trái cây, bánh ngọt, đồ uống tại Hanh Nguyen Store. Ảnh: DUY CHÍ

 Đam mê khởi nghiệp

Hanh Nguyen Store là chuỗi hệ thống cửa hàng nông sản thực phẩm sạch tiêu chuẩn, chất lượng Nhật Bản xuất hiện tại Bình Dương từ tháng 3-2017. Sau hơn 2 năm hoạt động, Hanh Nguyen Store (Khu đô thị Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) đã trở thành sự lựa chọn quen thuộc của các doanh nhân Nhật Bản đang sinh sống, làm việc tại Bình Dương cùng nhiều khách hàng khác.

Chị Hạnh cho biết ý tưởng ban đầu của Hạnh Nguyên là bán trái cây sạch chất lượng và phong cách Nhật Bản, do người Nhật rất cẩn thận, kỹ tính nên việc đóng gói, trang trí sản phẩm mất khá nhiều thời gian và hoàn toàn bằng thủ công. Nếu để khách hàng chờ đợi là mình chưa làm tốt khâu dịch vụ, vì thế chị quyết định mở thêm quầy phục vụ tiện ích với máy lạnh và không gian nghệ thuật được thiết kế theo phong cách gia đình Nhật Bản. Mục đích mở thêm quầy nhằm giúp khách hàng có thể thưởng thức tại chỗ trái cây tươi, vừa mua vừa tận mắt nhìn thấy các cô gái trẻ trong trang phục truyền thống Việt Nam - Nhật Bản cắt tỉa, trang trí sản phẩm. Việc làm này vừa thể hiện sự cầu thị, ân cần trong phục vụ vừa mang lại cảm giác thân thiện như đang ở tại quê nhà cho các doanh nhân xa xứ.

Tuy diện tích của Hanh Nguyen Store không lớn so với nhiều cửa hàng nông sản thực phẩm khác nhưng cũng bảo đảm phục vụ tốt khách hàng. Những khách hàng lớn nổi tiếng khó tính như Song Be Golf, Anh Sao Duong... đã chọn Hạnh Nguyên làm nhà cung cấp, rồi dần quen luôn hương vị, phẩm chất của trái cây Hạnh Nguyên.

Riêng ban lãnh đạo Công ty Becamex Tokyu - chủ đầu tư làng doanh nhân Hikari tại Thành phố mới Bình Dương, biết tin đã cho người đến mua về dùng thử, sau đó đi đến quyết định giao cho Hạnh Nguyên một khu vực quan trọng trong làng để phát triển kinh doanh, vì số lượng khách hàng, đối tác trong và ngoài nước đến Hikari ngày một đông hơn.

Nâng tầm giá trị nông sản sạch

Mới đi vào hoạt động hơn 2 năm, ngoài việc cung ứng các mặt hàng trái cây, rau, củ, quả, nông sản thực phẩm tiêu chuẩn Nhật Bản, đến nay Hạnh Nguyên còn là nhà cung cấp các dịch vụ, tặng phẩm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhân các sự kiện khai trương, khánh thành, ra mắt sản phẩm mới...

Một tin vui khác được Hạnh Nguyên chia sẻ là trước đây, giá cả các mặt hàng bán tại Hạnh Nguyên tương đối cao vì phải nhập khẩu sản phẩm trực tiếp từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Nhưng hiện tại, Hiệp hội các nhà sản xuất nông sản Nhật Bản đã đồng ý cung ứng đầy đủ, đa dạng các mặt hàng nông sản từ trái cây, rau, củ, quả với giá ưu đãi cho Hạnh Nguyên theo phương thức “xuất khẩu tại chỗ”, đạt tiêu chuẩn an toàn Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho cộng đồng người Nhật đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương và nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng của thị trường.“Cách đây 5 năm, nếu Hạnh Nguyên ra đời thì chúng tôi sẽ gặt hái nhiều thành công hơn. Tuy nhiên, khi đó việc tìm kiếm hàng hóa, sản phẩm đúng chất lượng, phong cách rất khó. Hầu như chúng tôi phải mua nguyên liệu về và tự tay làm hết. Từ đó, khẩu hiệu “Khách hàng là bạn” trở thành tôn chỉ, mục tiêu kinh doanh của Hạnh Nguyên. Vì chỉ có tình bạn chúng ta mới mang đến cho nhau những giá trị tốt đẹp nhất, lâu bền nhất”, chị Hạnh chia sẻ.

Chị Hạnh tâm tình: “20 năm làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản, được lãnh đạo cao nhất dẫn dắt từ chuyện rót nước, pha trà, tiếp khách đến tuyển chọn, bố trí nhân sự sao cho đạt hiệu quả tốt nhất, bền vững nhất, bản thân tôi đã không ngừng vươn lên. Không tự thỏa mãn với thành công của mình, tôi phải chọn cho mình con đường khó khăn hơn là chuyển từ việc chỉ phục vụ một doanh nghiệp sang phục vụ nhiều doanh nghiệp và thị trường tiêu dùng đi cùng với sự an toàn, chất lượng, bảo đảm cho sức khỏe, bảo vệ môi trường”.

 Nói về vai trò, trách nhiệm đại sứ của mình, chị Hạnh cho biết so với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Bình Dương, Bình Phước thì người Nhật, doanh nghiệp Nhật Bản không chiếm số đông nhưng giá trị đầu tư lại đứng nhất nhì. Do người Nhật rất chú trọng đến vấn đề ăn, ở, bảo vệ sức khỏe, môi trường nên mô hình Hanh Nguyen Store cần được nhân rộng, phát triển.
Cùng với việc tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm chất lượng Nhật Bản tại Bình Dương, với vai trò đại sứ cá nhân, Hanh Nguyen Store còn là trung tâm kết nối thông tin thị trường giữa Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời mở ra cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ có đam mê kinh doanh, có chí hướng phát triển bản thân. Bởi vì Nhật Bản không chỉ là đất nước phát triển hàng đầu về khoa học - công nghệ, y học, thời trang mà còn là cái nôi của nhiều ngành nghề, doanh nghiệp sản xuất truyền thống.

Trở thành đại sứ doanh nhân

20 năm phục vụ doanh nghiệp ở vị trí giám đốc nhân sự, chị Hạnh đã xây dựng được một nền tảng nhân sự chuyên nghiệp, đam mê công việc. Vốn đam mê, ngưỡng mộ tác phong làm việc và văn hóa truyền thống Nhật Bản, chị đã dành trọn mùa hè để du lịch, khám phá nước Nhật. Dịp này, chị Hạnh đã lọt vào “tầm ngắm” của Ban tổ chức cuộc thi tuyển chọn đại sứ cá nhân do Hội đồng chính quyền thị trấn Yoshino, tỉnh Nara tổ chức theo yêu cầu của Chính phủ Nhật Bản.

Vượt lên 2 ứng viên có điểm số cao nhất là một nữ doanh nhân Việt Nam cùng một viên chức trẻ Nhật Bản, đích thân ngài Atsushi Kitaoka, Thị trưởng thị trấn Yoshino đến tận cửa hàng Hanh Nguyen Store, số 15, đường Ngô Gia Tự, Khu đô thị Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một trao quyết định Đại sứ cá nhân cho bà Lê Thị Hạnh. Phát biểu tại đây, ngài Atsushi Kitaoka nhấn mạnh: “Đây là quyết định đầu tiên và cũng là người nước ngoài đầu tiên được chính quyền thị trấn giao nhiệm vụ đại sứ cá nhân để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, cơ hội hợp tác và làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm giữa thị trấn Yoshino với hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước của Việt Nam. Nhiệm kỳ đầu tiên của đại sứ cá nhân bắt đầu từ ngày nhận quyết định đến hết tháng 3-2019”.

Đứng trước nguy cơ dân số già, người Nhật đang hướng tới mở rông giao lưu hợp tác và thu hút người có năng lực, ý chí về làm việc cùng các doanh nghiệp, làng nghề truyền thống địa phương. “Bắt đầu nhận nhiệm vụ, tôi được giới thiệu gặp Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất nông sản Nhật Bản tại Đà Lạt... Các tổ chức này đã đồng ý cung cấp hàng hóa, nông sản, hỗ trợ vận chuyển, bảo quản với giá ưu đãi để Hạnh Nguyên mở rộng tầm phục vụ, phát triển mạng lưới, góp phần cùng người tiêu dùng nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”.

Hiện nay, xu hướng học cao để bước lên các vị trí cao hơn trong xã hội là điều ai cũng tính đến, nhưng với tinh thần khởi nghiệp và ý chí độc lập tự cường, có không ít người đã biến các giá trị kinh nghiệm, kiến thức có được để khởi nghiệp trên quê hương mình... Chị Hạnh là một điển hình trong số đó.

 “Dân số Nhật Bản ngày một già đi nên yêu cầu giới thiệu hình ảnh địa phương ra bên ngoài; thu hút sự hợp tác, lao động từ bên ngoài về địa phương là rất cần thiết trong thời gian tới. Tại thị trấn Yoshino đã có một số cộng đồng người Indo, Malay đến sinh sống, lập nghiệp. Với vài trò đại sứ tôi sẽ thúc đẩy hợp tác lao động, thí điểm đưa một số gia đình trẻ đến lập nghiệp trên quê hương mới”.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=662
Quay lên trên