Tham gia CPTPP: Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt

Cập nhật: 14-03-2018 | 08:32:23

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được các thành viên ký kết. Ngành da giày, dệt may, gỗ… của cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng được dự đoán sẽ có nhiều thuận lợi trong thời gian tới, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. 

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội May mặc Bình Dương cho biết, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi tham gia vào CPTPP. Cụ thể, các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành dệt may đang được hưởng thuế suất ưu đãi, các thị trường còn lại trong khối đa phần không phải là thị trường chính của ngành dệt may Việt Nam. Tuy vậy, tham gia hiệp định này cũng là cơ hội giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, giúp sản phẩm dệt may có thêm cơ hội mở rộng thị trường mới.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Gỗ Thuận An. Ảnh: TIỂU MY

Trước đây, trong lĩnh vực dệt may, hầu hết các doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công cho các công ty nước ngoài. Mặc dù doanh số cao (bao gồm cả nguyên vật liệu, vật tư do doanh nghiệp nước ngoài đưa vào) nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp không được nhiều, hầu hết chỉ đủ trả lương cho công nhân và một phần nhỏ cho quản lý. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm hàng FOB (tự mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp) tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm dệt may đạt đến 90%.

Theo ông Phoa, sau khi CPTPP có hiệu lực, sức ép cạnh tranh sẽ nhiều hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Thực tế cho thấy, dù gia công cho các doanh nghiệp Việt Nam hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì quan trọng nhất vẫn là vấn đề tăng chất lượng lao động.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, việc Việt Nam ký kết CPTPP là tín hiệu vui của ngành gỗ cả nước. Hiệp định này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương. Hiện nay, doanh nghiệp gỗ trong nước dù đã được hưởng thuế suất ưu đãi tại các thị trường Nhật bản, Hàn Quốc… song vẫn còn nhiều doanh nghiệp có đối tác lớn tại các nước trong khối chưa được hưởng thuế suất ưu đãi. Ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Liên Thanh (TX.Bến Cát) nói, chẳng hạn sản phẩm gỗ vào thị trường Australia phải chịu thuế suất 3 - 5% khi CPTPP chưa được ký kết, trong khi các doanh nghiệp của Trung Quốc không phải đóng thuế, do Trung Quốc và Australia ký kết hiệp định thương mại tự do song phương. Điều này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước trong việc cạnh tranh, giữ vững và mở rộng thị trường. Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ thâm nhập sâu rộng vào thị trường các nước thành viên CPTPP. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam cạnh tranh tốt với doanh nghiệp các nước, qua đó từng bước nâng cao giá trị xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường xuất khẩu.

Ngành gỗ của Bình Dương đang tăng trưởng rất khả quan, kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu tăng cao. Ngoài việc mở rộng đầu ra cho sản phẩm gỗ, nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nước sẽ giúp các doanh nghiệp gỗ giải tỏa áp lực về nguyên liệu. Ông Thanh chia sẻ, các doanh nghiệp đang hy vọng tìm được nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp, ổn định, giá rẻ, ở các quốc gia Nam Mỹ tham gia CPTPP. Nếu có nguồn nguyên liệu dồi dào, giá cả ổn định… ngành gỗ cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng sẽ chinh phục các thị trường trên thế giới.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=642
Quay lên trên