Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) đang phát triển mạnh mẽ, tác động đến các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Với nông nghiệp 4.0, các khâu trong quá trình sản xuất sẽ áp dụng khoa học - công nghệ (KHCN) hiện đại. Các chuyên gia khẳng định, đây là hướng phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp.
Nhiều thuận lợi
Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới và đang đổi mới tư duy mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được hình thành và bước đầu đã đạt kết quả tốt. Tại Bình Dương, nông nghiệp 4.0 đã được “phôi thai” từ Dự án Khu NNCNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo).
Với nông nghiệp 4.0, các quy trình sản xuất sẽ dần được tự động hóa, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Trong ảnh: Hệ thống tưới nước tự động tại trang trại trồng quýt đường của ông Lê Văn Phấn, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 4 khu NNCNC với diện tích quy hoạch hơn 991 ha, tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng và hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển nhanh về số lượng cơ sở và quy mô diện tích. Trong lĩnh vực trồng trọt có các mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, rau thủy canh, rau mầm, cây cảnh ứng dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương...; trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại đầu tư sử dụng hệ thống chuồng trại nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế được dịch bệnh, góp phần tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Với những kết quả mà Bình Dương đạt được trong sản xuất nông nghiệp, việc “nâng cấp” sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp 4.0 sẽ rất thuận lợi. Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến…, nhất là trước cơ hội của công nghiệp 4.0, sẽ giúp ngành nông nghiệp của tỉnh đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn nông sản trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.
Vận dụng tốt các chính sách
Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn lớn nhất trong việc đưa công nghệ mới vào sản xuất là nguồn vốn để đầu tư. Thực tế, không phải doanh nghiệp hay người nông dân nào cũng có điều kiện đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất. Để xây dựng một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình NNCNC cần khoảng 140 - 150 tỷ đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với trang trại chăn nuôi thường; đầu tư 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới, bón phân tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất 10 - 15 tỷ đồng.
Hiện nay, ngoài chính sách của Trung ương, Bình Dương cũng ban hành các chính sách để người dân có thể tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư NNCNC, như Chương trình 34 của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 04 quy định chính sách phát triển NNCNC tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020…
Ông Bình cho biết để thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Sở NN&PTTN sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, bổ sung các chính sách về phát triển nông nghiệp phù hợp với thực tiễn. Sở cũng tiếp tục thực hiện toàn diện và sâu sắc hơn về chủ trương tái cơ cấu ngành theo kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện quyết định của Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc khởi nghiệp nông nghiệp theo hướng nông nghiệp 4.0 và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản. Có thể nói, để phát triển nông nghiệp 4.0, ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, điển hình như số hóa dữ liệu và tự động hóa quy trình sản xuất sản phẩm, dùng điện thoại thông minh kiểm soát quy trình chăm sóc…
KHÁNH ĐĂNG